Tính đến ngày 31/12/2019 có 625 người, trong đó, nữ 318 người (chiếm 50,8%). Theo đó, Tổng số công chức, viên chức Bộ LĐ-TB&XH tính đến ngày 31/12/2019 là 2.340 người, nữ chiếm 50,3% (1.179 người).
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Thị Thu Hằng cho biết, trong năm 2019, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBCPN) Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu, tham mưu, tư vấn và thực hiện các chủ trương, chính sách đối với phụ nữ tổ chức hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ. Ban đã tổ chức, phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến, vận động, công chức, viên chức và người lao động thực hiện chủ trương, chính sách liên quan đến tiến bộ phụ nữ.
Đồng thời, xây dựng tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động nhiệm kỳ, hàng năm theo quy định và thực hiện theo Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 704/QĐ-LĐTBXH ngày 10/6/2016). Nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án liên quan đến công tác vì sự tiến bộ phụ nữ.
Theo báo cáo tại Hội nghị, việc tham mưu của Ban VSTBPN Bộ cũng như Ban VSTBPN các đơn vị đã có những chuyển biến nhất định so với những năm trước, với các hoạt động tích cực và toàn diện hơn, thể hiện được vai trò trong công tác tham mưu với Lãnh đạo Bộ, các đơn vị rõ nét hơn như cải thiện cơ cấu công chức, viên chức, kiện toàn bộ máy ban VSTBCPN; ban hành các văn bản hướng dẫn; chỉ tiêu đào tạo bồi dưỡng, phát triển đảng viên, quy hoạch; tổ chức toạ đàm cho nữ cán bộ chủ chốt của ngành; công chức, viên chức làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ các đơn vị được tham gia tập huấn nghiệp vụ; công tác kiểm tra giám sát.
Ban VSTBCPN Bộ rất quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức nữ đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, tham mưu trình Bộ kế hoạch đào tạo đối với công chức, viên chức nữ. Đồng thời, bản thân các công chức, viên chức nữ cũng luôn có tinh thần cầu tiến. Kết quả tỷ lệ nữ trong tổng số công chức, viên chức có trình độ đào tạo sau đại học từng bước được nâng cao. Điều này thể hiện sự tự nỗ lực cũng như những cố gắng tạo điều kiện của các cơ quan đơn vị dành cho sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác vì sự tiến bộ phụ nữ vẫn còn những tồn tại, thách thức như tỷ lệ công chức, viên chức quản lý, lãnh đạo còn thấp, đặc biệt là công chức, viên chức nữ đứng đầu đơn vị. Nguyên nhân được chỉ ra là do một số lãnh đạo các đơn vị chưa nhận thức đầy đủ quan điểm công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ; Hiện nay, các công chức, viên chức làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới vẫn là kiêm nhiệm do đó thời gian dành cho công tác còn chưa nhiều…
Cũng theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2020, có 8 nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 196 – TB/TW ngày 16/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự Lãnh đạo của đảng đối với công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ trong tình hình mới và Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020 và Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Tổng kết Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020 và xây dựng Kế hoạch hành động giai đoạn 2021 – 2026; Triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong thời gian từ ngày 15/11 – 15/12/2020; Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức nữ theo yêu cầu của vị trí việc làm, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Xây dựng phương án luân chuyển, giao việc cho nữ lãnh đạo giữa các đơn vị thuộc Bộ hoặc địa phương nhằm bồi dưỡng, rèn luyện thực tiễn cho công chức, viên chức nữ theo yêu cầu nhiệm vụ để tạo nguồn cho các năm tới. Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, xây dựng và nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới, đồng thời đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ, đặc biệt là trong khu vực các nước ASEAN…
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác vì sự tiến bộ phụ nữ. Theo đó, Ban VSTBPN Bộ trong năm 2019 đã có những đóng góp ý kiến rất tích cực đối với công tác xây dựng Chương 10 của Bộ luật Lao động về Những quy định riêng đối với lao động nữ, đó là những đóng góp đáng ghi nhận và cần được đưa vào báo cáo của năm 2019. Về phương hướng giải quyết những khó khăn và hạn chế trong công tác VSTBPN, các đại biểu đề xuất bên cạnh những giải pháp mang tính tổng thể, thực hiện chính sách đối với lao động nữ trong Bộ cũng cần có nhóm giải pháp dành riêng cho những nhóm đối tượng cụ thể…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận những ý kiến thể hiện trách nhiệm, tình cảm, sâu sắc và cụ thể. Thứ trưởng đề nghị bộ phận thường trực tiếp thu những ý kiến đó, bổ sung và hoàn thiện báo cáo của Ban. Thứ trưởng cũng đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của Ban VSTBPN của Bộ. Thứ trưởng cho rằng, từ những hoạt động trong năm qua, những cuộc Hội thảo liên quan đến Bộ luật Lao động, những hoạt động của cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN, những ý kiến đóng góp của đại diện các đơn vị, địa phương đã thể hiện nhận thức về lĩnh vực bình đẳng giới đã tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt, Thứ trưởng chia sẻ, bình đẳng giới với phụ nữ chính là tạo cơ hội bình đẳng như với nam giới trong thăng tiến và ra quyết định; bên cạnh đó, công tác phân công công việc cần cụ thể, tạo vị trí việc làm chuyên môn phù hợp với khả năng và phát huy thế mạnh, sở trường của mỗi cá nhân cả phụ nữ và nam giới.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng biểu dương những cố gắng, đóng góp của Ban thường trực và ghi nhận những quan tâm sâu sắc của các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh trọng trách của những Thủ trưởng đơn vị đối với công tác VSTBPN của Bộ. Đặc biệt, năm nay là năm quan trọng trong nhiệm kỳ, cũng là năm xây dựng chiến lược 2021 – 2030 về bình đẳng giới.