Điều kiện hành nghề công tác xã hội được quy định rõ tại Nghị định số 110/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều kiện hành nghề công tác xã hội, và các trường hợp bị cấm
Nghị định số 110/2024/NĐ-CP nêu rõ, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt, có đủ điều kiện sau đây được hành nghề công tác xã hội:
1- Đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học chuyên ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục đặc biệt hoặc chuyên ngành khoa học xã hội khác theo quy định của pháp luật.
2- Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công tác xã hội.
3- Không thuộc các trường hợp bị cấm hành nghề công tác xã hội và trường hợp khác theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
4- Có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.
Điều 32 Nghị định 110/2024/NĐ-CP quy định, 4 trường hợp bị cấm hành nghề công tác xã hội, gồm:
Trường hợp thứ nhất, người bị kết án mà chưa được xóa án tích.
Trường hợp thứ hai, bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Trường hợp thứ ba, đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp thứ tư, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Điều 35 Nghị định này cũng quy định người hành nghề công tác xã hội có trách nhiệm cập nhật kiến thức công tác xã hội, phù hợp với nội dung hành nghề công tác xã hội. Các hình thức cập nhật kiến thức công tác xã hội, bao gồm:
Tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm về công tác xã hội phù hợp với nội dung hành nghề công tác xã hội; Tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu chuyên môn về công tác xã hội;
Thực hiện các nghiên cứu khoa học, giảng dạy về công tác xã hội thuộc nội dung hành nghề; Tự cập nhật kiến thức có liên quan đến công tác xã hội và các hình thức khác.
6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội
Điều 10 Nghị định 110/2024/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội như sau:
Một là, cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Hai là, từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Ba là, lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
Bốn là, lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.
Năm là, thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thoả thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Sáu là, lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề có thời hạn 5 năm Nghị định nêu rõ người hành nghề công tác xã hội được cấp 01 giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề được cấp có giá trị trong phạm vi toàn quốc và có thời hạn hiệu lực 5 năm. Các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội bị thu hồi trong trường hợp sau: Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội; người hành nghề công tác xã hội không hoàn thành yêu cầu cập nhật kiến thức công tác xã hội; người hành nghề công tác xã hội tự đề nghị nộp lại giấy chứng nhận đăng ký hành nghề; người hành nghề công tác xã hội thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề theo quy định. |