Năm 2024, thực hiện Kế hoạch số 18/KH-BCĐ138/CP, Nghị quyết số 01/NQ-CP, với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo, điều hành, 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 52 nhiệm vụ cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, chương trình và tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn xã hội.
Nhìn chung, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2024 của ngành đạt nhiều kết quả thiết thực.
6 tháng đầu năm, toàn quốc phát hiện, bắt giữ 340 vụ/609 đối tượng phạm tội về mại dâm
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong năm 2024 tiếp tục được triển khai và đạt hiệu quả cao.
Đối với công tác phòng, chống mại dâm, từ Trung ương đến địa phương và cơ quan, đơn vị các cấp đã phối hợp triển khai tuyên truyền sâu rộng, giáo dục ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm, thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng hoạt động mại dâm, kết quả đấu tranh, triệt phá, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm...
Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của xã hội và cộng đồng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn mại dâm; giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bán dâm, tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội để hòa nhập cộng đồng.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ 340 vụ/609 đối tượng phạm tội về mại dâm (tăng 92 vụ, giảm 172 đối tượng so với năm 2023); khởi tố, điều tra 335 vụ/498 bị can, xử lý hành chính 2 vụ/61 đối tượng và 758 đối tượng mua dâm, bán dâm.
Tiếp nhận, điều trị cai nghiện cho trên 23 nghìn người
Đối với công tác cai nghiện ma túy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030 (Chương trình do Bộ Công an chủ trì) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực cai nghiện ma túy...
Số liệu thống kê cho thấy, từ ngày 1/10/2023 đến 31/7/2024, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã tiếp nhận, điều trị cai nghiện cho trên 23 nghìn người nghiện có quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (tăng 8,8%, tương đương 2.793 người so với cùng kỳ năm 2023).
Về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Bộ LĐ-TB&XH liên tục phối hợp cùng Bộ Công an trong việc chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Song song, tổng hợp, xây dựng báo cáo cung cấp thông tin, số liệu trả lời Bộ câu hỏi liên quan đến báo cáo phòng, chống mua bán người (TIP) năm 2024 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn yêu cầu báo cáo về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Báo cáo từ các Sở LĐ-TB&XH, nửa đầu năm 2024, số người được tiếp nhận, xác minh là 85 người; xác định 47 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 58 người (bao gồm cả những người nghi là nạn nhân).
Căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, các lực lượng chức năng đã thực hiện bảo vệ an toàn cho 38 người, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho 18 người, hỗ trợ chi phí đi lại cho 14 người, hỗ trợ y tế cho 11 người, hỗ trợ tâm lý cho 32 người, trợ giúp pháp lý cho 27 người, trợ cấp khó khăn ban đầu cho 4 người theo quy định của pháp luật.
Với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trọng xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.
Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội vẫn còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm và mua bán người vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với các thủ đoạn tinh vi.