Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

8 người sở hữu khối tài sản bằng một nửa thế giới

“8 người sở hữu khối tài sản bằng tài sản của 3,6 tỷ người, thuộc một nửa nghèo nhất của toàn nhân loại”.

 

Đây là thông tin từ báo cáo “Nền kinh tế dành cho 99%” của Oxfam công bố hôm nay (16/1) nhân dịp hội nghị thường niên của lãnh đạo các chính phủ và doanh nghiệp tại Davos, Thụy Sỹ.

Báo cáo “Nền kinh tế dành cho 99%” của Oxfam cho thấy khoảng cách giữa người giàu và người nghèo lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Báo cáo trình bày chi tiết cách các doanh nghiệp lớn và giới siêu giàu đang đẩy cuộc khủng hoảng  bất bình đẳng thêm trầm trọng thông qua trốn thuế, giảm lương và sử dụng quyền lực của mình nhằm gây ảnh hưởng chính trị. Báo cáo kêu gọi thay đổi căn bản trong cách chúng ta quản lý nền kinh tế, từ đó đem lại lợi ích cho mọi người, thay vì chỉ cho một số người may mắn.

 

Ảnh  minh họa.

 

Dữ liệu cập nhật hơn về sự phân bố tài sản toàn cầu – cụ thể tại Ấn Độ và Trung Quốc – cho thấy một nửa dân số nghèo nhất của thế giới sở hữu ít tài sản hơn so với ước tính trước đây. Nếu có được những dữ liệu này từ năm 2015, con số đã là 9 tỷ phú sở hữu khối tài sản bằng một nửa dân số nghèo nhất trên thế giới, mà không phải là 62 tỷ phú như Oxfam đã tính toán tại thời điểm đó.

Giám đốc điều hành của Oxfam International Winnie Byanyima, cho biết: Việc chỉ một số người  sở hữu khối tài sản quá lớn là điều không thể chấp nhận được, trong khi cứ 10 người thì có 1 người đang sống với dưới 2 đô la một ngày. Bất bình đẳng đang khiến hàng tỷ người bị mắc kẹt trong nghèo đói, gây chia rẽ xã hội và đe dọa nền dân chủ. Trên khắp thế giới, nhiều người đang bị bỏ lại phía sau. Mức lương của người lao động giậm chân tại chỗ, trong khi các ông chủ doanh nghiệp bỏ túi hàng tỷ đô la tiền lãi; dịch vụ y tế cho người dân bị cắt giảm, trong khi doanh nghiệp và giới siêu giàu trốn thuế; tiếng nói của cộng đồng bị bỏ qua, trong khi chính phủ vào hùa với các doanh nghiệp lớn và giới quyền lực giàu có.

Báo cáo của Oxfam chỉ ra cách thức các nền kinh tế méo mó đang bơm thêm tài sản cho giới quyền lực và giàu có, đồng thời bỏ qua lợi ích của những người nghèo nhất trong xã hội, mà chủ yếu là phụ nữ. Những người  giàu nhất đang tích lũy tài sản với tốc độ đáng kinh ngạc, đến mức có thể sẽ xuất hiện nhà nghìn tỷ phú đầu tiên trong 25 năm tới.

Cứ 10 người thì có tới 7 người đang sống tại quốc gia có sự gia tăng bất bình đẳng trong 30 năm qua. Từ năm 1988 đến 2011, thu nhập của 10% người nghèo nhất tăng 65 USD/năm, trong khi thu nhập của 1% người giàu nhất tăng trung bình 11.800 UDDS/ năm – gấp 182 lần.

“Nền kinh tế dành cho 99%” phản ánh việc các doanh nghiệp lớn và giới siêu giàu đang đẩy cuộc khủng hoảng bất bình đẳng trầm trọng thêm như thế nào. Báo cáo chỉ ra cách các doanh nghiệp lớn đang trốn thuế, giảm lương nhân viên, hạ giá trả cho nhà sản suất và giảm thiểu đầu tư nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông giàu có.

Oxfam đã phỏng vấn những phụ nữ làm việc tại một nhà máy dệt may tại Việt Nam. Họ đang làm việc 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần và vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống với thu nhập 1 USD/ giờ để sản xuất quần áo cho nhiều hãng thời trang lớn nhất  thế giới. Giám đốc điều hành của các công ty này cũng nằm trong số những người nhận lương cao nhất trên thế giới. Doanh nghiệp trốn thuế thu nhập gây thiệt hại mỗi năm ít nhất 100 tỷ USD cho các nước nghèo. Số tiền này đủ để giúp 124 triệu trẻ em thất học đến trường và chi trả cho các can thiệp y tế giúp cứu sống ít nhất 6 triệu trẻ em mỗi năm.

Báo cáo mô tả cách giới siêu giàu lợi dụng mạng lưới thiên đường thuế để trốn tránh nghĩa vụ thuế và sử dụng một đội ngũ các nhà quản lý tài sản để bảo đảm lợi nhuận từ các khoản đầu tư mà người tiết kiệm bình thường không bao giờ có được. Không như nhiều người nghĩ, những người siêu giàu không tự nỗ lực để trở nên giàu có. Các phân tích của Oxfam chỉ ra rằng một nửa số tỷ phú trên thế giới được thừa kế tài sản hoặc tích lũy tài sản thông qua các cơ chế có yếu tố tham nhũng và chủ nghĩa thân quen.

Báo cáo cũng cho thấy các doanh nghiệp lớn và giới siêu giàu dùng tiền và mối quan hệ như thế nào khiến các chính sách của chính phủ có lợi cho họ. Ví dụ như, các tỷ phú Brazil đã tìm cách tác động đến cuộc bầu cử và đã vận động hành lang thành công các đạo luật giảm thuế, trong khi các công ty dầu mỏ Nigeria đã tìm được cách có được mức giảm thuế hào phóng.

Byanyima cho biết: “Đối với hàng triệu người đang bị nền kinh tế méo mó hiện nay bỏ lại phía sau, họ cần giải pháp, không cần người nhận lỗi. Vì vậy, Oxfam đang xây dựng một cách tiếp cận mới hợp lý hơn để quản lý kinh tế, đem lại lợi ích cho đa số, thay vì chỉ cho một số người may mắn”.

Các chính phủ không bất lực trước những thay đổi về công nghệ và các lực lượng thị trường. Nếu các chính trị gia không bị ám ảnh với các chỉ tiêu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chú trọng vào lợi ích của mọi người dân, thay vì chỉ của một số người giàu có, thì tất cả mọi người có thể có một tương lai tốt đẹp hơn.