Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Bắc Giang triển khai 144 dự án, mô hình giảm nghèo với gần 3,4 nghìn hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Trong đó, 87 mô hình thuộc 2 Chương trình 30a và 135.
Một số dự án vẫn duy trì hiệu quả như: Nuôi bò sinh sản tại các xã Đồng Tiến, Canh Nậu, Tiến Thắng, Đồng Hưu (huyện Yên Thế); nuôi dê, thỏ, ong kết hợp trồng rừng tại xã An Bá, Yên Định, Tuấn Đạo (huyện Sơn Động); trồng cam, bưởi tại xã Lục Sơn (huyện Lục Nam), Tân Sơn (huyện Lục Ngạn)…

Việc đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình sản xuất đã khai thác được thế mạnh của địa phương; các hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án, mô hình không chỉ được hỗ trợ cây, con giống mà còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, tạo động lực vươn lên thoát nghèo.
Trước đây, gia đình anh Hoàng Hồng Ngọc (thôn Trại Chùa, xã Yên Định, huyện Sơn Động) thuộc diện hộ nghèo. Được sự hỗ trợ của dự án đa dạng hóa sinh kế, gia đình anh đầu tư nuôi ong lấy mật.
Anh Ngọc cho biết, lợi thế của địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn (vải, nhãn, cam, bưởi…) nên rất thích hợp nuôi ong lấy mật. Được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi và hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong và đến nay đã vươn lên thoát nghèo.
Gia đình bà Đỗ Thị Hiển (thôn Am Hà, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động) là một trong 31 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi từ dự án hỗ trợ sinh kế. Với địa hình đồi núi, bà cũng như nhiều người dân khác ở địa phương quanh năm trồng vải thiều, sắn và chăn nuôi nhỏ lẻ.
Những năm trước, nguồn thu của gia đình chủ yếu dựa vào gần 100 cây vải đã cằn cỗi do không có điều kiện cải tạo. Vợ chồng bà cố gắng vẫn không thể thoát nghèo. Gia đình được lựa chọn tham gia dự án trồng cây keo từ vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật chăm sóc nhưng bà và các hộ trong thôn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tỉ mỉ. Từ vốn tích lũy và vay mượn thêm, đến nay, bà Hiển có hơn 2 nghìn cây keo trên diện tích 1,3ha. Cuộc sống dần vơi bớt khó khăn, năm 2022, bà Hiển đã viết đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
7 năm trước, anh Phạm Văn Trường (thôn Hợp Thành, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn) chưa từng nghĩ đến giấc mơ thoát nghèo. Đất sản xuất ít, vợ chồng anh không có việc làm thêm, hai con đi học nên đời sống khó khăn. Là trụ cột trong gia đình nhưng anh Trường hay đau yếu.
Nắm bắt tình hình, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã đưa anh vào danh sách hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020. Từ 2 con bò sinh sản được hỗ trợ, vợ chồng anh chịu khó chăm sóc, đến nay đã xuất bán được 1 lứa (2 con bê), thu nhập gần 40 triệu đồng. Có vốn, anh Trường dự định nuôi gà, vịt để có thêm nguồn thu.
“Nhờ được hỗ trợ sinh kế phù hợp mà đợt rà soát năm 2023, gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chăm chỉ làm lụng, tôi cố gắng dành dụm để mua sắm thêm đồ dùng trong nhà, lo cho con ăn học”, anh Trường chia sẻ.
Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn tỉnh còn hơn 12,5 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm gần 5,4 nghìn hộ, tương đương giảm 1,18% so với năm 2022 (vượt kế hoạch 0,18%). Hộ cận nghèo còn 16,2 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%, giảm 0,8% so với năm 2022.
Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Với phương châm công khai, minh bạch, hằng năm, ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp rà soát, thống kê để nắm tình hình hộ nghèo, cận nghèo, xác định từng “chiều” thiếu hụt để đề xuất phương thức hỗ trợ phù hợp.
Ông Trương Đức Huấn, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, ngoài áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi chung và đặc thù, Sở tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hằng năm trên cơ sở phân bổ hợp lý nguồn hỗ trợ.
Trong đó, ưu tiên kinh phí cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất, nâng cao thu nhập, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Khánh Vân
Báo Lao động Xã hội số 64