Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều địa phương phía Bắc bị lũ lụt, sạt lở, có những vùng bị cô lập, người dân cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm, trong đó có thực phẩm và nước sạch.
Với tinh thần tương thân tương ái, nhiều đơn vị, hội nhóm, cá nhân từ thiện gửi tới đồng bào vùng bão lụt nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, do mất thời gian di chuyển, thời tiết mưa nắng thất thường nên việc đảm bảo an toàn thực phẩm đến tay người dân vũng bão là rất quan trọng.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc tự chế biến, đóng gói thực phẩm và hút chân không có thể giúp kéo dài thêm thời gian bảo quản thực phẩm nhưng có thể có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm do việc chế biến không đảm bảo vệ sinh dẫn đến nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đặc biệt là ô nhiễm vi khuẩn yếm khí, sinh độc tố gây ngộ độc cho người sử dụng.
Một trong các vi khuẩn yếm khí thường hay gây ngộ độc trong các loại thực phẩm đồ hộp, thực phẩm bao gói hút chân không là vi khuẩn Clostridium botulinum, một loại vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử (dạng tồn tại của vi khuẩn trong môi trường bất lợi);
Độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum chỉ sinh ra trong môi trường kỵ khí, có độc lực rất mạnh và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người, thậm chí có thể gây tử vong chỉ với liều lượng rất nhỏ.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm hỗ trợ đến người dân vùng bị thiên tai, bão, lũ, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
Đối với tổ chức, cá nhân cứu trợ thực phẩm: Ưu tiên quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm bao gói sẵn, có hạn sử dụng, bảo quản dài ngày như: lương khô, các thực phẩm đóng hộp, bao gói kín như thịt, cá, rau củ quả đóng hộp, mỳ ăn liền, xúc xích tiệt trùng, nước uống đóng chai, đóng bình… của các cơ sở chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, có ghi nhãn và hạn sử dụng đầy đủ theo quy định;
Ủng hộ vitamin, men tiêu hóa hỗ trợ sức khỏe cho các đối tượng trẻ em, người già trong vùng bão, lũ.
Khi tự chế biến thực phẩm, bao gói hút chân không để hỗ trợ cho người dân vùng bão, lũ cần lưu ý:
Lựa chọn các thực phẩm phù hợp với đóng gói hút chân không như: thịt khô, cá khô, bỏng ngô, bỏng gạo, các loại bánh có lá bọc được chế biến đun kỹ (nhiều giờ) như bánh chưng, bánh téc, sau khi vớt bánh cần để nơi sạch sẽ, ép ráo nước, để nguội trước khi đóng gói hút chân không.
Đảm bảo các yêu cầu vệ sinh, sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm; khi đóng gói và hút chân không nên để mảnh giấy ghi ngày sản xuất bên trong màng gói để người vận chuyển và người sử dụng biết và bố trí thời gian cấp phát, sử dụng phù hợp.
Đối với người sử dụng thực phẩm cứu trợ: Cần kiểm tra bao gói thực phẩm được cấp phát, cứu trợ trước khi ăn; tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, thực phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Thực phẩm đóng hộp không phồng nhưng khi mở ra nghe tiếng "xì" tức là có không khí ở trong, hơi "nặng mùi" cũng không nên sử dụng, để phòng thực phẩm đã bị nhiễm vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt là độc tố botulinum.
Đối với các loại thực phẩm do người hỗ trợ tự làm như bánh chưng, bánh dày… được sản xuất thủ công, tự đóng gói, đóng kín bằng màng bọc hút chân không, trước khi sử dụng cần quan sát kỹ, nếu phía trong màng bọc có các bóng khí, màng bọc căng phồng hoặc khi mở màng bọc, thực phẩm bị nhớt, mốc, mùi, vị khác thường thì tuyệt đối không sử dụng.
Các loại thực phẩm này có hạn sử dụng ngắn, trong vài ngày nên cần được biết ngày sản xuất, đóng gói.
Đối với chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương bị bão, lũ: Cần bố trí lực lượng để tổ chức tiếp nhận và cấp phát hàng thực phẩm cứu trợ nhanh chóng nhất có thể cho người dân.
Duy trì việc tuyên truyền để người dân thực hiện đảm bảo vệ sinh ăn uống tốt nhất trong điều kiện có thể.
Chủ động dự trữ thuốc men, hoá chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng để chủ động xử lý, khắc phục nếu có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh liên quan đến thực phẩm xảy ra.