Nhiều mô hình được nhân rộng
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ, thời gian qua, những chính sách trợ giúp chung theo quy định và các chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố được triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả đã giúp hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm bớt thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, thu nhập được nâng cao, mức sống được cải thiện, vượt qua chuẩn nghèo về thu nhập.
Ngoài ra, các mô hình giảm nghèo đã góp phần làm giảm 5.255 hộ nghèo trong năm 2016, đạt 137% kế hoạch. Trong giai đoạn 2015 - 2017, các quận, huyện, đoàn thể toàn thành phố đã xây dựng 172 dự án, mô hình giảm nghèo; trong đó 42 dự án, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; 35 dự án, mô hình buôn bán nhỏ; 36 dự án, mô hình trồng trọt… và nhiều mô hình khác. Đến thời điểm hiện tại, có 116/172 dự án, mô hình đạt hiệu quả cao, tạo điều kiện cho người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thành phố có 2.397 hộ nghèo, cận nghèo tham gia các dự án với tổng kinh phí thực hiện hơn 25,3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3.311 lao động.
Mô hình Tổ hợp tác làm vườn của Hội Nông dân xã Trường Thắng, huyện Thới Lai.
Các mô hình nổi bật tại một số địa phương như: Câu lạc bộ làm bánh dân gian (quận Ninh Kiều); nuôi lươn, nuôi cá lóc (huyện Cờ Đỏ); nuôi bò, sản xuất lúa chất lượng cao (huyện Vĩnh Thạnh); trồng chuối cấy mô, trồng nấm rơm, đan dây nhựa, may gia công (quận Ô Môn); đan lục bình, trồng rau xanh an toàn, dệt chiếu, trồng hoa kiểng (quận Thốt Nốt); trồng chanh không hạt, trồng sầu riêng, trồng dâu (huyện Phong Điền)…
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Ngành LĐ-TB&XH luôn quan tâm, hỗ trợ các mô hình giảm nghèo hiệu quả, đặc biệt là các nhóm hộ, tổ hợp tác để cùng giúp nhau hỗ trợ phát triển sản xuất ở cộng đồng dân cư, giúp nhau về giống, vốn, kỹ thuật…, qua đó hợp tác, giúp nhau trong sản xuất, đời sống. Đặc biệt luôn triển khai, xây dựng phương án lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,75%
Cùng với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, thời gian tới TP. Cần Thơ tiếp tục dành mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Các cấp, ngành, quận, huyện tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát để chương trình giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức.
Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2017 giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo (tương ứng 3.124 hộ), hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,75% so với hộ dân; giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (tương ứng 179 hộ); hạ tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số xuống còn 10,8% so với hộ dân tộc thiểu số.
Để thực hiện mục tiêu này, các địa phương cần quan tâm hơn trong việc triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo, đồng thời nghiên cứu và đề ra nhiều hơn các giải pháp khả thi để đảm bảo chương trình thực hiện có tính hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, thành phố cần triển khai đồng bộ các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo như: Y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng, khuyến nông, dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, hỗ trợ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ... Tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực giảm nghèo, giám sát, đánh giá, dạy nghề cho người nghèo, điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo...
Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các quận, huyện, thành phố tập trung thực hiện Chương trình Mục tiêu giảm nghèo. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ nghèo tham gia các mô hình giảm nghèo ; tăng cường liên kết, phối hợp trong sản xuất và đời sống giúp nhau thoát nghèo.