Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cảnh báo thủ đoạn dụ dỗ sang Campuchia tìm việc làm sau đó đòi tiền chuộc

Phóng viên
Phóng viên

(Dân sinh) - Công an tỉnh Thanh Hóa mới đây đã phát đi cảnh báo về tình trạng người dân bị các đối tượng lừa đảo giả mạo môi giới việc làm, xuất khẩu lao động để khống chế nạn nhân, đòi tiền chuộc.

Bị lừa bán sang Campuchia, đòi 250 triệu để chuộc người

Ngày 11/5, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết Công an huyện Quảng Xương đang tiến hành điều tra, giải quyết vụ việc có dấu hiệu mua bán người dưới hình thức lừa đảo môi giới đi làm việc tại Campuchia, sau đó khống chế nạn nhân để đòi 250 triệu tiền chuộc.

Cảnh báo thủ đoạn dụ dỗ sang Campuchia tìm việc làm sau đó đòi tiền chuộc - 1
Công an huyện Quảng Xương tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về xuất, nhập cảnh (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Trước đó, ngày 8/4, chị N.T.C (SN 1996) cư trú tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá đến cơ quan Công an huyện Quảng Xương để trình báo có em trai là Nguyễn Công Minh (SN 2003) bị lừa bán sang Campuchia.

Theo nội dung chị N.T.C trình bày tại cơ quan công an: Hồi 4h ngày 29/3, Nguyễn Công Minh đem theo một ba lô đi từ nhà đến xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá lên ô tô khách của nhà xe Hải Hà đi đến thành phố Hồ Chí Minh.

Đến khoảng 15h cùng ngày, Minh gọi về cho ông L là bố Minh nói đã đến chỗ làm việc. Tuy nhiên ông L nghĩ Minh đi làm phụ bếp tại xã Hải Tiến, huyện Hoằng Hoá, do Minh đang làm ở đây từ trước.

Đến 8h ngày 30/3, khi đến bến xe Ngã Tư Ga ở thành phố Hồ Chí Minh, một người đàn ông lạ mặt đi xe ô tô đến trả tiền vé cho Minh và chở Minh đi.

Đến ngày 5 và 6/4, gia đình chị N.T.C nhận được tin nhắn qua tài khoản zalo của Minh với nội dung Minh đã bị lừa bán sang Campuchia, đồng thời có nhiều cuộc gọi đến số điện thoại của chị C, yêu cầu gia đình chuyển 250 triệu đồng để chuộc người.

Cảnh báo thủ đoạn dụ dỗ sang Campuchia tìm việc làm sau đó đòi tiền chuộc - 2
Cảnh báo thủ đoạn dụ dỗ sang Campuchia tìm việc làm sau đó khống chế để đòi tiền chuộc (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Người dân nên làm gì để tránh bẫy lừa đảo

Thống kê của Công an tỉnh Thanh Hoá, cho biết trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 2.600 người đang cư trú, lao động trái phép tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chủ yếu ở Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Hàn Quốc…

Để lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh, lao động trái phép tại nước ngoài, các đối tượng sử dụng một số phương thức, thủ đoạn phổ biến như: Đưa ra lời mời “việc nhẹ lương cao” để đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, ham muốn có được việc làm đem lại thu nhập cao của người lao động, từ đó rủ rê, lôi kéo người đi; lợi dụng mối quan hệ quen biết hoặc sử dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết quảng cáo, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết đây là một trong số rất nhiều vụ việc mua bán người đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và cả nước.

Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc các thanh niên có nhu cầu tìm việc làm có thu nhập cao, ít nặng nhọc đã lên mạng xã hội tìm kiếm hoặc thông qua người lạ quen biết trên mạng xã hội giới thiệu.

Tuy nhiên, đây là các cạm bẫy mà bọn buôn người đã giăng ra để dụ dỗ, đưa các nạn nhân đến hang ổ của chúng sau đó khống chế, bắt tham gia các hoạt động lừa đảo qua mạng Internet hoặc đòi tiền chuộc từ gia đình các nạn nhân.  

Từ vụ việc trên, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng khuyến cáo, người dân hãy cảnh giác để bảo vệ bản thân và gia đình trước những lời hứa hẹn về công việc trên mạng xã hội từ các đối tượng không quen biết với thu nhập cao tại nước ngoài nói chung và tại Campuchia nói riêng.

Nếu người dân có nhu cầu đi lao động tại nước ngoài, cần phải thông qua các cơ quan, tổ chức uy tín, có đăng ký hoạt động để được bảo hộ và tránh các rủi ro trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người…

Quách Tuấn