Đây cũng chính là thiệt hại về nguồn cung thực phẩm lớn dịp cuối năm. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cần sớm khôi phục sản xuất trong chăn nuôi và thủy sản để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho trước, trong và sau tết.
Nước mắt người chăn nuôi
Những ngày gần đây, sau khi bão tan, nước lũ rút, tại nhiều trang trại, gà, lợn chết hàng đàn. Một số nơi phải kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ, bởi chuồng trại bị hư hỏng nặng, không thể khôi phục lại ngay. Trong đó, các tỉnh có gia súc, gia cầm chết nhiều nhất là Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nội…
Tại khu Bãi Già, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh (Hà Nội), ông Hoàng Ngọc Đoàn thẫn thờ nhìn đàn gà còn sót lại vài con sau trận lũ lịch sử. Khu trang trại rộng 2,6ha với quy mô 7 dãy chuồng mà ông gây dựng 14 năm qua giờ ngổn ngang gà chết, trứng vương vãi chưa kịp nhặt. Trang trại này của ông Đoàn nuôi 80 nghìn con gà đẻ trứng và gà hậu bị, nhưng giờ không còn bao nhiêu.
Ông Đoàn cho biết, tối 9/9, ông đã chủ động ra đê kiểm tra mực nước khi nghe tin lũ lớn. Thấy nước còn cách mặt đê 2m, ông dự định hôm sau sẽ di dời đàn gà lên vị trí cao hơn, nhưng chẳng thể ngờ, sáng 10/9, lũ lên nhanh, nước tràn vào trang trại chăn nuôi.
Ông Đoàn tức tốc gọi điện cho người thân, bạn bè giúp sức di chuyển gà lên tầng 2 tránh ngập. Thế nhưng, nước tiếp tục dâng cao, chuồng gà chẳng mấy chốc ngập sâu và cũng chỉ cứu vớt được gần 10 nghìn con, còn lại chìm trong nước lũ.
“Trước khi lũ ập tới, mỗi ngày tôi thu 100 triệu đồng từ bán trứng gà. Nay thì chẳng còn gì, tổng thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng”, ông Đoàn đau xót nói. Đó là chưa kể rất nhiều tài sản bị hư hại, hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi bị hỏng vì ngâm trong nước nhiều ngày.
Trên địa bàn xã Tuy Lập, TP Yên Bái (Yên Bái), lợn chết la liệt trên cánh đồng, đường làng và bờ sông. Tại khu trang trại chăn nuôi với quy mô 5 nghìn con lợn, nay chỉ còn lại 50 con, bởi hầu hết trôi theo dòng nước lũ. Bà Trần Thị Vinh, Giám đốc Dự án nông nghiệp Hoà Bình Minh xã Tuy Lập khóc nghẹn nói: “Dù đã gia cố chuồng trại chắc chắn, nhưng lũ quá lớn khiến chuồng trại đổ sập, gần 5 nghìn con lợn chết đuối. Ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng, công nhân thì thất nghiệp”.
Tại một số trang trại ở Văn Giang (Hưng Yên), Sóc Sơn (Hà Nội) những ngày qua người dân cũng phải bán tống bán tháo lợn vì lũ lụt, thiệt hại lên đến tiền tỷ. Nhiều hộ chăn nuôi ở một số tỉnh, thành miền Bắc điêu đứng, có nguy cơ phá sản. Bởi, mọi của cải đã trôi theo sóng nước, còn khoản nợ gánh trên vai lại nặng hơn.
Hỗ trợ nguồn vốn để nhanh chóng tái đàn
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, với kinh nghiệm ứng phó bão lũ miền Trung cuối năm 2020 và dịch tả lợn châu Phi từng xảy ra, để nhanh chóng khôi phục sản xuất Bộ đề nghị Chính phủ sẽ có nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ phục hồi sản xuất sau bão số 3.
“Đầu tư cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản rất lớn. Với quy mô lớn, phương thức chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hiện đại, đặc biệt là nuôi biển, nhiều hộ gia đình đã phải vay vốn lớn, thiệt hại vừa qua, có những hộ mất vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.
Để sớm hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết về chuyên đề này, cũng như đề xuất Chính phủ hoãn, giãn nợ và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và đặc biệt phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh; đồng thời cho biết, thiệt hại trên sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với tốc độ tăng trưởng của hai lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản.
Để giải quyết nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc hỗ trợ người dân con giống, thức ăn, vật tư… sớm phục hồi sản xuất và đáp ứng tối đa nhu cầu thực phẩm.
Điều này cũng nhằm hạn chế nhất ảnh hưởng đến CPI, xuất khẩu, tăng trưởng ngành nông nghiệp. Do vậy, phục hồi sản xuất là yếu tố quan trọng nhất đối với nông nghiệp.
“Trong chăn nuôi, với gà công nghiệp chỉ cần hơn 1 tháng, gà lông màu trên 3 tháng; vịt, ngan chỉ 45 - 50 ngày là có sản lượng. Từ nay đến tết, ngành nông nghiệp có thể hoàn toàn phục hồi được với chu kỳ sản xuất tùy theo đối tượng. Bộ NN&PTNT tin tưởng sẽ sớm phục hồi sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản để đảm bảo nguồn cung cho trong nước và xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 113