Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Chương trình 135 mang lại ấm no cho bà con dân tộc thiểu số và miền núi

Năm 2016, nhờ thực hiện tốt Chương trình 135, diện mạo vùng dân tộc và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang... Những kết quả to lớn đó đã góp phần quan trọng ổn định và phát triển kinh tế.

Cơ sở hạ tầng tại các vùng dân tộc và miền núi được đầu tư khang trang hơn nhờ nguồn vốn Chương trình 135. Ảnh: TQ

 

Chương trình 135 ngày càng khẳng định vai trò “bà đỡ” trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Năm 2016 là năm đầu của kế hoạch 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020. Ông Võ Văn Bẩy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 cho biết bước sang giai đoạn mới, Chương trình 135 có một số điểm thay đổi, trong đó đáng chú ý là Thủ tướng Chính phủ đã không ban hành một quyết định riêng về Chương trình 135 như trước đây, mà ban hành quyết định chung về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định 1722/QĐ-TTg, ngày 2/9/2016), trong đó có Chương trình 135. Như vậy, vừa có điểm thuận lợi là Chương trình 135 sẽ nằm trong tổng thể các chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững; nhưng cũng có có khó khăn, thách thức là làm sao trong quá trình thực hiện không để xảy ra tình trạng chồng chéo, dàn trải, kém hiệu quả.

Đứng trước những khó khăn thách thức như vậy, nhưng bằng sự nỗ lực từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là sự tham gia đón nhận, ủng hộ của người dân nên Chương trình 135 trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, năm 2016, với tổng kinh phí được giao là 4.034,591 tỷ đồng, Chương trình 135 đã được triển khai trên địa bàn 2.275 xã và 3.424 thôn với 3 nội dung chính là hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở của các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn thực hiện Chương trình 135.

Đối với dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, Chương trình 135 đã đầu tư 5.947 công trình bao gồm 2.621 công trình chuyển tiếp và 3.326 công trình khởi công mới, chủ yếu là các công trình giao thông, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, công trình điện, chợ... Trên cơ sở số vốn được giao, Chương trình đã tiến hành duy tu bảo dưỡng cho 1.195 công trình nước sinh hoạt, trường học, đường giao thông, thủy lợi, kênh mương... Việc duy tu bảo dưỡng chủ yếu do các xã làm chủ đầu tư và tổ nhóm cộng đồng thôn bản thực hiện.

Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chương trình 135 đã hỗ trợ cho trên 408 ngàn hộ nghèo, cận nghèo giống cây, giống con các loại, phân bón, vật tư máy móc thiết bị và một số mô hình phát triển sản xuất.

Đối với dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, Chương trình 135 đã tổ chức thực hiện được 678 lớp cho trên 37 ngàn học viên (trong đó trên 1.600 học viên là cán bộ cơ sở, trên 35 ngàn học viên là người dân) với kinh phí gần 33 tỷ đồng. Đến nay, một số tỉnh như Bắc Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Kiên Giang, Hà Giang... đã tổ chức nhiều lớp đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã và các nhóm cộng đồng. Dự kiến đến hết tháng 12 năm 2016, các địa phương sẽ cơ bản hoàn thành khối lượng thực hiện năm 2016.

Trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo, đạt hiệu quả cao. Điển hình như trên địa bàn tỉnh Lai Châu - một trong những tỉnh miền núi phía Bắc nước ta với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, tính đến năm 2016, Chương trình 135 đã hỗ trợ cho trên 34.300 lượt hộ nghèo, cận nghèo và nhóm hộ được thụ hưởng với tổng số 195 con trâu, 12 con bò; 1.821 con lợn, 399 con dê; gần 165.500 con gà, vịt; xấp xỉ 2.000 máy móc sản xuất; hỗ trợ làm 559 chuồng trại chăn nuôi; xây dựng 2 mô hình sản xuất;… Trong quá trình thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh còn lồng ghép để thực hiện các mục tiêu quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn, giúp cho đồng bào giải quyết bớt phần khó khăn về giống và kỹ thuật, vật tư sản xuất, giúp nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh cũng từng bước được đầu tư toàn diện, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội như các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học, nhà bán trú cho học sinh... Từ năm 2012 đến năm 2016, Chương trình 135 đã thực hiện đầu tư 288 công trình điện, nước sinh hoạt, giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nhà văn hóa… Sau một thời gian đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, đến nay đã có 332 công trình các loại được duy tu bảo dưỡng nhằm nâng cao tuổi thọ, nhờ đó đã giúp giải quyết phần nào những khó khăn của người dân về cơ sở hạ tầng, đồng thời giúp tăng cường giao thương buôn bán và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong vùng, góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh.

Tại tỉnh Quảng Bình, thực hiện Chương trình 135, trong năm 2016 tỉnh được hỗ trợ gần 60 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Quảng Bình đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của đồng bào các dân tộc. Đã có 94 công trình, trong đó có 36 công trình khởi công mới và 13 công trình hoàn thành chuyển tiếp; duy tu bảo dưỡng cho 63 công trình; hỗ trợ xây dựng 21 mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản với kinh phí 3,71 tỷ đồng cho 366 hộ hưởng lợi;... Thông qua nguồn vốn hỗ trợ đã góp phần nâng cao năng suất và sản lượng, đời sống của đồng bào đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn đã có đường ô tô đến trung tâm xã, đảm bảo đi lại được 4 mùa;  tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã và các nguồn điện khác chiếm 94,3% với tỷ lệ hộ dùng điện sinh hoạt đạt 84%; trên 87% số học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường.

Tại tỉnh Gia Lai, trong năm 2016, Chương trình 135 đã hỗ trợ 39.157 kg giống lúa thuần; 9.845 kg giống ngô lai; 918 con bò giống cho 918 hộ; xây dựng mới 157 công trình giao thông có chiều dài 69.201m với quy mô đường bê tông xi măng, đá dăm láng nhựa; xây mới 21 phòng học, 31 nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 công trình thủy lợi, 1 trạm y tế; duy tu bảo dưỡng 32 công trình giao thông, 16 công trình trường học, 24 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 công trình thủy lợi.

Tại tỉnh Trà Vinh, địa bàn có khoảng 30% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, năm 2016 có 22 xã và 37 thôn thụ hưởng Chương trình 135. Nhờ nguồn vốn của Chương trình đã có 22 công trình được tiến hành duy tu bảo dưỡng và 53 công trình khởi công mới trong đó có 48 công trình giao thông, 3 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 công trình nước sinh hoạt, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Đối với hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, Chương trình đã hỗ trợ 3 mô hình phát triển sản xuất cho 903 hộ dân nghèo được hưởng lợi.

Chương trình 135 trao quyền nhiều hơn cho người dân nghèo tự xóa đói giảm nghèo

Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 được thiết kế theo hướng trao quyền nhiều hơn cho người dân nghèo chủ động tự vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững. Việc đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất cũng được chú trọng đầu tư theo nhóm hộ gia đình trên cơ sở xác định những nhu cầu thiết yếu chung của cả nhóm. Đáng chú ý trong cả nhóm được đầu tư, Chương trình 135 đã cho phép 15  - 20% là những hộ đã thoát nghèo, thậm chí có chút khá giả vẫn được hưởng đầu tư từ nguồn vốn. Điều này nhằm thúc đẩy những hộ đã thoát nghèo tiếp tục vươn lên trở thành những hạt nhân, đầu tàu trong phong trào xóa đói giảm nghèo của cả nhóm.

Một ví dụ minh chứng rõ nét hiệu quả của chủ trương này là mô hình đầu tư máy xay xát trị giá 20 triệu đồng cho nhóm hơn 200 hộ dân thuộc 4 bản: Sà Dề Phìn, Can Hồ, Trang, Hát Hơ thuộc xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Chiếc máy xay sát này được giao cho ông Sùng A Gió trực tiếp quản lý và vận hành. Tiền điện, tiền duy tu bảo dưỡng, tiền công do các hộ dân tự thỏa thuận chi trả cho ông Sùng A Gió. Đồng thời người dân cũng tự thỏa thuận quy chế giám sát lẫn nhau trong quá trình vận hành, sử dụng sao cho đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao nhất. Việc làm này đã giúp bà con nơi đây giải quyết được nhu cầu xay xát thóc lúa, ngô, khoai, sắn ngay tại bản mà không phải đi xuống tận trung tâm huyện như trước đây, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc, vừa hỗ trợ đắc lực cho công tác xóa đói giảm nghèo của nhiều hộ gia đình trong xã.

Máy xay xát được hỗ trợ bằng nguồn vốn Chương trình 135 được giao cho gia đình ông Sùng A Gió trực tiếp quản lý và vận hành. Ảnh: TQ

 

Hay như gia đình ông Phạm Văn Phúc và gia đình bà Quách Thị Hồng cùng nhiều gia đình khác ở thôn Quang Bái, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã làm đơn tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo để nhường bớt tiền hỗ trợ cho những gia đình nghèo khác. Sở dĩ có chuyện này là vì trong năm qua, những hộ gia đình này đã rất cố gắng, nỗ lực tự thân xóa đói giảm nghèo bằng cách bên cạnh một phần vốn hỗ trợ của Chương trình 135, các hộ này đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, tự chủ động tiếp cận với các phương thức làm ăn mới và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống đã dần khấm khá. Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị tập trung cho việc giảm nghèo nhanh và bền vững, nên đến nay tỷ hộ nghèo của xã Quang Trung chỉ còn 12,1%. Có thể thấy, cái được lớn nhất trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở đây là không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho người nghèo mà còn làm thay đổi nhận thức của họ. Qua những tấm gương tự nguyện làm đơn thoát khỏi danh sách hộ nghèo đã trở thành động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên.

Không chỉ trao quyền nhiền hơn cho người dân tự chủ động vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững, mà Chương trình 135 cũng trao quyền nhiều hơn cho chính quyền cấp cơ sở và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói giàm nghèo. Anh Ma Văn Sênh, cán bộ thôn 6, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắc Nông sau khi tham gia lớp tập huấn 4 ngày về công tác xóa đói giảm nghèo cho biết sau khi được tập huấn các kiến thức cần thiết, bổ ích, nắm bắt được nội dung các chuyên đề như chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc và xóa đói, giảm nghèo để tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt. Đặc biệt, được hướng dẫn việc triển khai thực hiện các hợp phần thuộc Chương trình 135 của giai đoạn 2016 – 2020 đã giúp anh và nhiều cán bộ khác hiểu rõ thêm nhiều vấn đề cần thiết để làm tốt nhiệm vụ tại cơ sở.

Vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ để Chương trình 135 đạt hiệu quả cao hơn

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Dân tộc cho biết, năm 2016 nhìn chung các địa phương triển khai Chương trình 135 còn chậm do trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến tháng 9/2016, Chương trình mới được phê duyệt; tháng 12/2016 mới có thông báo bổ sung 10% vốn còn thiếu. Hơn nữa, các văn bản hướng dẫn về cơ chế quản lý điều hành, cơ chế tài chính của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính chậm ban hành; quy trình thẩm định các công trình khởi công mới theo Nghị định 136/NĐ-CP phức tạp, chưa có cơ chế đặc thù rút gọn đối với các công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản. Các công trình thi công vào mùa mưa, lũ dẫn đến bị ảnh hưởng tiến độ. Một số địa phương còn lúng túng trong triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất do chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vai trò của Cơ quan công tác dân tộc một số địa phương chưa được phát huy.

Để thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình 135 trong giai đoạn tới, thiết nghĩa trung ương cần đảm bảo về nguồn lực, nhất là việc quy định về chế độ, định mức, hỗ trợ theo kịp với biến động giá cả (hoặc có cơ chế linh hoạt theo từng vùng, miền) để đảm bảo thực hiện hiện hoàn thành các mục tiêu của chính sách. Đồng thời, để giải quyết các vấn đề pháp luật về dân tộc liên quan đến mọi lĩnh vực cần có văn bản pháp lý cao nhất, cần có Luật Dân tộc và đó sẽ là khung pháp lý cơ bản điều chỉnh các vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc để tạo điều kiện cho việc thực hiện công tác dân tộc thực chất hơn. Cần xây dựng chính sách đặc thù cho cán bộ làm công tác dân tộc, đồng thời phải quan tâm củng cố kiện toàn đội ngũ (cả về lượng và chất) cán bộ làm công tác dân tộc ở các cấp.

Trong giai đoạn tới, Chương trình 135, cũng như các chương trình, dự án khác về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với vùng miền núi cần đa dạng hoá nguồn tài chính cho đầu tư bằng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào vùng dân tộc, tăng cường khai thác các nguồn vốn từ hợp tác quốc tế cho phát triển vùng dân tộc. Bên cạnh đó, cần quy định tỷ lệ thích hợp trong bố trí cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số theo từng vùng, miền phù hợp; có chế độ, chính sách đặc thù đối với cán bộ làm công tác dân tộc các cấp.

Điều quan trọng nhất hiện nay là cần phải xóa bỏ rào cản rất lớn đối với công tác xóa đói giảm nghèo, đó là tâm lý trồng chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận không nhỏ người dân nghèo, người dân tộc thiểu số. Chỉ có xóa bỏ được tâm lý này thì mới tạo động lực cho người dân tự chủ động vươn lên xóa đói giảm nghèo một cách căn cơ và bền vững.