Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Cứu trợ bão lũ thế nào cho an toàn, hiệu quả?

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trước những tổn thất vô cùng lớn do bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra cho đồng bào các tỉnh miền Bắc, cả nước đã quyên góp, ủng hộ phương tiện, vật chất hỗ trợ người dân vùng bão, lũ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất tích cực, hoạt động cứu trợ thời gian qua đã bộc lộ không ít bất cập, đòi hỏi cần có những kế hoạch bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Cứu trợ bão lũ thế nào cho an toàn, hiệu quả? - 1
 Để bảo đảm công tác cứu trợ đến đúng địa điểm, đúng đối tượng, các đoàn cứu trợ cần phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Ảnh: Đ.P

Nghe tin tỉnh Lào Cai bị ngập lụt và tổn thất nặng nề, chị Phương (chủ một cửa hàng ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng nhân viên của mình dành cả ngày lùng sục khắp các hàng tạp hóa tại Hà Nội tìm mua hàng thiết yếu như mì tôm, nước uống, lương khô, sữa, rồi thuê xe tải 5 tấn để đi cứu trợ đồng bào giữa lúc trời mưa to gió lớn với mong muốn trao quà tận tay cho bà con.

Tuy nhiên, trên đường đi, chị và đoàn nhận ra mình không thạo đường sá và thiếu kinh nghiệm đi vùng núi cao. Chưa kể trên đường còn liên tục gặp nguy hiểm do sạt lở. Tới huyện Bắc Hà, đoàn của chị chỉ đến được những nơi gần đường quốc lộ.

Cũng như đoàn của chị Phương, nhiều đoàn thiện nguyện khác cũng chỉ đến được những điểm gần đường quốc lộ, dẫn tới dư thừa hàng hóa, trong khi đó, nhiều nơi khác lại đang rất cần mà không có, bởi địa hình bị cô lập, chia cắt, các đoàn thiện nguyện không thể tiếp cận.

Vì vậy, đoàn của chị Phương và nhiều đoàn khác đã phải gửi lại toàn bộ số hàng mang từ Hà Nội để lực lượng công an phân phát cho những xã và người dân thực sự cần. 

“Chuyến đi cứu trợ lần này đã để lại cho chúng tôi rất nhiều bài học. Có tấm lòng và nhiệt huyết thôi chưa đủ mà đi cứu trợ còn cần rất nhiều kiến thức, kỹ năng, không nên tự phát, tùy hứng rất dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, việc đi cứu trợ tự phát còn gây thêm phiền phức cho địa phương, nơi cần cứu trợ thì không có ai đến, nơi ồ ạt người đến thì hàng hóa lại thừa. Đặc biệt là cần nắm chắc tình hình thực tế và liên hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại”, chị Phương chia sẻ.

Cũng trong những ngày bão, lũ vừa qua, không gian mạng ngập tràn thông tin, hình ảnh về phong trào gói bánh chưng, làm giò chả cứu trợ đồng bào vùng bão, lũ phía Bắc của nhiều tỉnh miền Trung. Ở nhiều địa phương, bà con còn huy động cả làng tập trung nấu bánh chưng, giò chả xuyên đêm để vận chuyển ra các tỉnh, thành phía Bắc.

Tấm lòng của bà con thật đáng quý nhưng cách làm thì có vẻ không mấy phù hợp, bởi bánh chưng, giò chả là thức ăn nhanh, khó bảo quản trong quá trình vận chuyển. Với hàng vạn chiếc bánh chưng, giò chả, công sức bà con bỏ ra không hề nhỏ nhưng để sản phẩm đến được bà con vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng giao thông còn bị chia cắt do thiên tai lại cần rất nhiều thời gian, dẫn đến khi bánh mang đến nơi thì đã hỏng, phải bỏ đi, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường…

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, thực tế từ đợt cứu trợ vừa qua cho thấy chúng ta có nhiều hàng hóa nhưng bị trùng lặp, chỗ cần thì không có, chỗ thì lại thừa. Để bảo đảm công tác cứu trợ đến đúng địa điểm, đúng đối tượng, các đoàn cứu trợ cần phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ, MTTQ các cấp để được hỗ trợ và cung cấp thông tin cần thiết. 

Đồng quan điểm, ông Cao Xuân Thạo, Trưởng ban Phong trào, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc các đoàn cứu trợ mang quá nhiều thực phẩm, đồ dùng không phù hợp lên vùng lũ là do họ chưa có kinh nghiệm nên cũng không biết đâu là nơi đồng bào đang gặp khó khăn nhất, dẫn đến cứu trợ sai địa chỉ.

Nhiều nơi rất cần được hỗ trợ thì không có đoàn nào đến, ngược lại nơi ít khó khăn hơn nhưng thuận lợi giao thông lại có rất nhiều đoàn. Đặc biệt, sau các đợt thiên tai, ngoài việc hỗ trợ nhu yếu phẩm như gạo, chăn màn, thuốc men… các đoàn cứu trợ cũng nên xem xét việc cung cấp tiền mặt một cách có kế hoạch, đến đúng người, đúng chỗ để giúp người dân tái thiết cuộc sống. Và để công tác cứu trợ thật sự hiệu quả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn với chính quyền và đoàn thể ở địa phương. 

Theo ông Ngô Anh Tuấn, người sáng lập GiveNow, nền tảng gây quỹ cộng đồng trực tuyến, thiếu sót của một số đoàn cứu trợ, thiện nguyện khi xảy ra bão lũ là do chưa hiểu biết kỹ về hoạt động này. Khi mới xảy ra thiên tai, người dân bị kiệt sức do đói, rét, khát nên rất cần nhu yếu phẩm để tồn tại.

Trong giai đoạn đầu, thực phẩm đã chín sẵn, không cần nấu nướng như bánh chưng, bánh mỳ, cơm, trứng luộc, lương khô, nước sạch, đồ hộp được ưu tiên. Tuy nhiên, ở các giai đoạn sau, việc cứu trợ bằng vật phẩm rất phức tạp, đòi hỏi phải nắm bắt địa hình, thông tin chính xác.

Các đoàn thiện nguyện chỉ nên tiến hành cứu trợ khi giai đoạn cứu hộ, cứu nạn đã kiểm soát được tình hình, tránh tình trạng phải cứu hộ ngược đoàn thiện nguyện do đi vào những vùng nguy hiểm.

Còn theo ông Trần Sỹ Pha, Trưởng ban Công tác xã hội - Quản lý thảm họa (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), nguyên tắc an toàn chung khi các đoàn cứu trợ tới các địa phương, trước hết là muốn cứu trợ, đảm bảo an toàn cho người khác, mình cũng cần bảo vệ cho chính mình. Cần bảo đảm tính kết nối giữa các thành viên trong đoàn cứu trợ với nhau và với người dân địa phương để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như cho người được cứu trợ.

Bên cạnh đó, các đoàn cần phải biết người dân vùng lũ đang cần cái gì nhất. Do vậy, các đoàn cứu trợ nên liên lạc thông qua kênh chính thức là MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, bởi ở đó có số liệu thống kê về tình hình thiệt hại, nhu cầu cấp bách nhất của những nơi bị ảnh hưởng. 

An Nhiên

Báo Lao động và Xã hội số 117