Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, đồng thời hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, giai đoạn 2022-2025, TP Đà Nẵng phấn đấu giảm hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều thành phố hằng năm từ 1-1,5%; phấn đấu đến cuối năm 2024, không còn gia đình chính sách có công cách mạng thuộc hộ nghèo.
Cụ thể, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu giảm 100% số hộ nghèo còn sức lao động, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều so với đầu giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 40 mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, tạo việc làm, có thu nhập bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh để đổi mới phương thức sản xuất, tăng thu nhập; hằng năm 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2022-2025, thành phố cũng phấn đấu hỗ trợ 5.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng quy mô việc làm, trong đó hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn không lãi suất.
100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; duy trì 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi; tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 60% và có tối thiểu 1.200 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, cố định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững…
Trong đó, riêng năm 2022, TP Đà Nẵng phấn đấu giảm 2.990 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 1% và 1.320 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,44% theo chuẩn nghèo đa chiều thành phố so với đầu giai đoạn 2022-2025; vận động 100% người thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế có hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế của Nhà nước; hỗ trợ xây mới nhà ở cho 80 hộ nghèo và sửa chữa nhà ở cho 200 hộ nghèo có đất ở hoặc nhà ở bị xuống cấp, hư hỏng. Đồng thời, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho khoảng 1.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động…
Để đạt được những mục tiêu trên, tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã thảo luận và đưa ra các giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo bền vững đến nhân dân, vận động người dân, tổ chức xã hội tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, để chương trình giảm nghèo trên địa bàn thành phố đạt được hiệu quả, việc thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo và giải pháp tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là hết sức cần thiết. Ngoài ra, cần lồng ghép triển khai các dự án theo quy định Trung ương để hỗ trợ giảm nghèo bền vững…
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết: Qua 3 năm (2019-2021) triển khai thực hiện Kế hoạch giảm nghèo với phương châm không để người nghèo bị bỏ lại phía sau, TP Đà Nẵng đã trợ giúp cho 8.488 hộ thoát nghèo (trong đó có 926 hộ thoát nghèo theo chuẩn Trung ương) và 1.320 hộ nghèo phát sinh.
Đến cuối năm 2021, toàn thành phố còn lại 4.507 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 1,5% (theo chuẩn Trung ương có 619 hộ nghèo, tỷ lệ 0,21%; 3.672 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,22%); 2.968 hộ nghèo không còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 1,1%; 2.913 hộ cận nghèo chuẩn thành phố, chiếm tỷ lệ 0,97%.