Chị H Wet Nie (đứng giữa) nhận dê sinh sản từ mô hình luân chuyển
Vừa qua, Trạm Khuyến nông phối hợp với Huyện Đoàn Cư M'gar đã triển khai thực hiện mô hình nuôi dê luân chuyển cho hai hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ea Drơng, huyện cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.
Thực hiện mô hình nuôi dê luân chuyển gồm gia đình chị H'Wét Niê ở buôn Tah và gia đình chị H'Yoe Adrơng ở buôn Kroa A. Mỗi hộ được cấp 6 con dê, trong đó có 5 con dê cái và 1 con dê đực và được thụ hưởng luôn 6 con dê này. Sau khi đàn dê sinh sản lứa đầu tiên và có trọng lượng tương đương với dê mẹ ban đầu, dê con sẽ được thu hồi để luân chuyển cho các hộ khác chăn nuôi. Với tổng kinh phí thực hiện mô hình 33,6 triệu đồng do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ.
Cùng với mô hình luân chuyển nuôi dê, thực hiện chương trình tái canh cà phê của huyện, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cư M'gar đã tổ chức cấp cây giống cà phê cho nhân dân tái canh. Năm nay huyện Cư M'gar có tổng số 1.944 gia đình đăng ký cây giống cà phê để tái canh với diện tích khoảng 733 ha, số lượng trên 667.600 cây thực sinh và hơn 146.500 cây ghép. Tuy nhiên nhiều hộ tham gia đăng ký nhưng không đến nhận.
Cấp cà phê giống cho nhân dân thực hiện tái canh
Trong đợt này, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện và các xã, thị trấn đã tổ chức cấp được trên 295.800 cây cà phê giống thực sinh và gần 17.400 cây cà phê giống ghép cho trên 900 gia đình. Chương trình hỗ trợ cà phê giống cho nhân dân trên địa bàn huyện thực hiện tái canh được Nhà nước hỗ trợ 1.000 đồng/cây, Công ty Nestle Việt Nam hỗ trợ 1.500 đồng /cây và người dân chỉ phải đóng 1.000 đồng/cây. Cùng với việc cấp cà phê giống cho nhân dân, cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cư M'gar còn tư vấn và hướng dẫn cho nhân dân thực hiện tái canh theo đúng các quy trình kỹ thuật để đạt hiệu quả cao.
Trước khi thực hiện mô hình, các gia đình đã được tập huấn kỹ thuật về chăm sóc và phòng bệnh, hướng dẫn về cách làm chuồng trại, kỹ thuật chế biến thức ăn hiệu quả cho đàn dê. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ sẽ được cán bộ khuyến nông theo dõi, giám sát để bảo đảm đàn dê sinh sản và phát triển tốt. Việc triển khai mô hình chăn nuôi dê luân chuyển là hoạt động trực tiếp trao "cần câu" cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số có thêm điều kiện phát triển chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.