Nỗ lực hỗ trợ miền Tây thoát nghèo
Qua 12 năm thực hiện, có thể khẳng định rằng, công tác vận động ủng hộ, hỗ trợ các xã nghèo miền Tây là một chủ trương đầy tính nhân văn, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo, xã nghèo của Nghệ An.
Để thúc đẩy, hỗ trợ miền núi phát triển, đưa đồng bào các Dân tộc thiểu số (DTTS) ở khu vực này tiến kịp miền xuôi, tỉnh Nghệ An có Đề án Giảm nghèo và giúp đỡ xã nghèo miền Tây từ năm 2011 nhằm huy động thêm nguồn lực cho các xã nghèo.
Từ nguồn lực chương trình này kết hợp với Chương trình 135, mỗi năm, Nhà nước đầu tư từ 400-500 tỷ đồng để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cấp hạ tầng thiết yếu các xã, bản vùng đặc biệt khó khăn khu vực I, II, III ở các huyện miền Tây Nghệ An.
Điểm nhấn quan trọng trong công cuộc đồng hành cùng đồng bào miền Tây Nghệ An thoát nghèo, đó là việc giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, bản nghèo, xã nghèo… từng bước nâng cao đời sống.
Theo đó, đã có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở vùng đồng bằng, thành phố… nhận kết nghĩa, giúp đỡ các hộ nghèo, bản nghèo bằng việc hỗ trợ cây, con giống; hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở.
Kể từ năm 2021, các Chương trình 134, 135 đã được tích hợp vào Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với 7 dự án và 11 tiểu dự án thành phần, theo đó thời gian qua cũng đã có hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo, nâng cao mức sống vùng miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An.
Chỉ tính riêng kế hoạch nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, là 603,73 tỷ đồng.
Từ các nguồn lực đó, bức tranh vùng miền núi Nghệ An đã thực sự đổi khác. Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập.
Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS và miền núi Nghệ An tăng 1,4 lần so với năm 2020 và hiện đã đạt 4,19 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm 4,88% và hiện còn 29,15%. So với giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An đã có 18 xã và 136 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Theo ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nghệ An: Công tác giảm nghèo vùng miền núi Nghệ An đã có nhiều đổi mới, nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên.
Đây là thành quả từ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị chung tay chăm lo công tác giảm nghèo; đồng thời chứng minh rõ những giải pháp giảm nghèo đang đi đúng trọng tâm và đúng hướng.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh vẫn còn 5,2%, riêng các huyện miền núi là trên 15%, còn 76 xã đặc biệt khó khăn. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi các cấp chính quyền, sở ngành và các đơn vị, doanh nghiệp cần phát huy tinh thần chia sẻ, tương thân, tương ái cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động vận động ủng hộ giúp đỡ các xã nghèo.
Cùng đó, hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật; dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động để giúp đỡ các xã vươn lên thoát nghèo.
Những mô hình hay để "đuổi" nghèo
Điểm nhấn quan trọng trong công cuộc đồng hành cùng đồng bào DTTS miền Tây Nghệ An thoát nghèo, đó là việc giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, bản nghèo, xã nghèo… từng bước nâng cao đời sống.
Theo đó, đã có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở vùng đồng bằng, thành phố… nhận kết nghĩa, giúp đỡ các hộ nghèo, bản nghèo bằng việc hỗ trợ cây, con giống; hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở. Năm 2023, đã ủng hộ 13.566,54 triệu đồng, ủng hộ các xã nghèo 4.297,20 triệu đồng, Hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà cho hộ nghèo 42.529,11 triệu đồng.
BCH Bộ đội BP tỉnh Nghệ An XD 8 mô hình chăn nuôi bò nái, 3 mô hình chăn nuôi Lợn nái, 10 bể nước sạch, 4 giếng khoan, chương trình nâng bước em đến trường, con nuôi biên phòng...
Điển hình như, Đồn biên phòng Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã hỗ trợ thả 20 kg cá giống cho hộ gia đình ông Hoa Phò Ngành (trú ở bản Xốp Lau, xã Mường Ải) theo mô hình phát triển kinh tế VAC giúp dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo do đơn vị nhận hỗ trợ, giúp đỡ.
Già làng Hoa Phò Ngành chia sẻ: Mới đây, gia đình đã có thêm 2 ao cá do Đồn Biên phòng Mường Ải hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Từ nuôi trâu bò và thả cá, trung bình gia đình có thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng mỗi năm.
Gia đình ông Lỳ Nỏ Pó, dân tộc Mông ở bản Na Niếng là điển hình phát triển kinh tế hộ có tiếng ở xã Tri Lễ, huyện 30a Quế Phong, với mô hình chăn nuôi và trồng rừng… thu nhập bình quân 200 - 300 triệu đồng mỗi năm.
Ông là tấm gương về sự cần cù lao động, sản xuất giỏi, vươn lên làm giàu cho gia đình. Từ khai hoang diện tích đất trống để trồng lúa nước tại bản Pà Khốm, xã Tri Lễ với năng suất lúa nước của gia đình đạt từ 45 - 47 tạ/ha, đem lại thu nhập khoảng 25 - 27 triệu đồng mỗi năm.
Có thể thấy, công tác giảm nghèo, là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Bằng cách lồng ghép các cơ chế, chính sách, chính quyền và Nhân dân các địa phương khu vực miền tây Nghệ An, không ngừng nỗ lực để công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực nhất.
Hiệu quả quan trọng từ các chính sách giảm nghèo là đã khơi dậy sức mạnh nội lực huy động nguồn lao động tại chỗ, nâng cao ý thức xóa đói nghèo trong đồng bào các DTTS vùng miền Tây xứ Nghệ.