Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Đánh thức tiềm năng nghề dệt thổ cẩm của người Dao Tiền

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Nghề dệt thổ cẩm gắn liền với cuộc sống người Dao Tiền ở bản Sưng (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, Hòa Bình). Từ bao đời nay, người Dao Tiền vẫn giữ thói quen tự nhuộm, dệt trang phục truyền thống để nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc.

Theo phong tục từ xưa, con gái Dao Tiền trước khi lấy chồng phải biết thêu, may để lớn lên có thể tự may váy cưới cho mình. Từ khi lên 10 tuổi, họ bắt đầu học thêu, dệt và nhuộm thổ cẩm. Các bà, mẹ dạy họ từ những công đoạn đơn giản đến phức tạp.

det1.jpg
 Du khách trải nghiệm dệt vải thổ cẩm ở bản Sưng.

Chị Lý Thị Nhơn (bản Sưng) cho biết, từ nhỏ, chị em trong xóm đã được các bậc tiền bối truyền lại nghề dệt thổ cẩm để tự dệt vải, nhuộm chàm, thêu hoa văn, đường viền, trang trí trên váy áo của mình, phục vụ sinh hoạt hằng ngày cũng như trong các dịp lễ hội. Để làm nên một sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh, phụ nữ Dao Tiền đi lấy lá chàm, ngâm, ủ lá; sau đó, vớt bỏ bã tiếp tục cho vôi vào đánh tan, lắng đọng sẽ được cốt chàm.

Cốt chàm hòa cùng nước sạch, rồi lọc lấy nước, dùng để nhuộm những mảnh vải màu đen tím. Công đoạn nhuộm vải thường mất thời gian do vải được ngâm trong nước chàm. Cứ khoảng 20 phút, vải được vớt ra vắt khô rồi đem phơi nắng. Vải khô lại cho vào ngâm tiếp trong nước chàm. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi có được màu chàm ưng ý. Một tấm vải có màu đẹp, bền thường phải mất từ 20 - 30 ngày mới nhuộm xong. 

Hay sáp ong dùng để in hoa văn bắt buộc phải lấy sáp của con ong Khoái trên rừng, nếu dùng sáp ong nuôi sẽ dễ bị bong tróc. Khi in vải, sáp ong được lọc lại cho thật sạch, không được lẫn tạp chất, rồi cho vào bát hoặc đĩa nhỏ để lên trên than hoa, giữ mức lửa nhỏ nhằm duy trì độ nóng giúp sáp in mịn, sắc nét. 

Phụ nữ bản Sưng dùng công cụ in là thân trúc vót mỏng uốn thành các khung nhỏ, ống nứa tròn nhỏ và dụng cụ chữ T bằng đồng nhỏ chấm vào sáp ong để in các họa tiết trên vải. Việc in hoa văn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng để đường in lên vải đều, đẹp, không bị cong, lệch. Để có những tấm vải in sáp ong đẹp, người Dao Tiền in sáp ong lên vải, chờ đến khi sáp ong khô mới nhuộm chàm rồi phơi. Khi đủ sắc chàm, tấm vải được nhúng vào nước sôi để sáp ong tan ra. Lúc này, các hoa văn đã in mới hiện rõ nét trên nền chàm. 

Nhiều công đoạn như vậy nên để làm một bộ trang phục truyền thống của người Dao Tiền thường rất công phu. Đặc biệt, tất cả công đoạn đều được làm thủ công, đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo và chuyên tâm mới có tấm vải dệt chỉ đều tăm tắp. 

Chị Lý Thị Hằng, Tổ trưởng Tổ hợp tác thổ cẩm Dao Tiền (bản Sưng) cho hay, trước đây, bà con bản Sưng dệt thổ cẩm chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt thường ngày hoặc làm quà tặng. Mấy năm gần đây, du khách biết đến xóm Sưng nhiều hơn, ngày càng nhiều người đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống và văn hóa người Dao Tiền. 

det4.jpg
Từ nhỏ, các em bé Dao Tiền đã được hướng dẫn in sáp ong lên vải thổ cẩm.

“Du khách khi đến với bản Sưng đều rất thích, ấn tượng với các họa tiết thêu trên váy áo của phụ nữ Dao Tiền. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng liên kết với các hộ gia đình có nghề dệt thổ cẩm, mỗi hộ phụ trách một công đoạn, cùng sản xuất sản phẩm thủ công như: Váy áo, túi xách, khăn quàng... thêu họa tiết đặc trưng để bán cho du khách trong và ngoài nước làm kỷ niệm.

Giá mỗi sản phẩm từ 200.000 - 500.000 đồng, đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với sản phẩm từ nông nghiệp. Tổ thổ cẩm Giao Tiền có 12 thành viên, có thu nhập ổn định”, chị Hằng chia sẻ.

Theo chị Hằng, họa tiết trang trí trên váy áo và đồ trang sức của người Dao Tiền chủ yếu là hình sóng nước, đường zích zắc, cây thông, dê, chim... Mỗi họa tiết trên sản phẩm thổ cẩm đều chứa đựng câu chuyện về cuộc sống, ý nghĩa sâu xa của người Dao Tiền trong hoạt động du canh du cư, tìm cuộc sống tốt đẹp. Hình ảnh hoa văn sóng nước trên chân váy của người Dao Tiền chính là hóa thạch văn hóa, chứ không chỉ đơn giản mang ý nghĩa trang trí.

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 87