Chương trình là sự kiện ý nghĩa, nhằm tuyên truyền những kết quả đạt được trong năm 2021-2023; đồng thời cổ vũ, động viên các địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng, phát huy tính chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể và gia đình, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Tham gia giao lưu tại Chương trình Gala là 10 nhân vật đại diện cho 30 tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2023, với những câu chuyện truyền cảm hứng về những tấm gương nỗ lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu; chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức thực hiện, về xây dựng mô hình sinh kế để giảm nghèo bền vững.
Đó là anh Triệu Văn Hòn (dân tộc Sán Chỉ), Trưởng thôn Nà Mon, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, người tiên phong trồng và sản xuất tinh dầu cây sả Java. Anh đã vận động 124/154 hộ tham gia mô hình trồng cây sả, thu nhập bình quân 50 đến 100 triệu đồng/năm/hộ. Năm 2023, anh là một trong 150 đại biểu có uy tín tiêu biểu, xuất sắc dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Hay anh Lã Văn Buốn (dân tộc Tày), thôn Bản Dọn, xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn với mô hình trồng cây ăn quả (hồng không hạt Bảo Lâm - đặc sản của địa phương) mang lại thu nhập 500 triệu đồng/năm. Gia đình anh đã thoát nghèo và giúp đỡ nhiều hộ khác trong thôn.
Chia sẻ tại Chương trình, ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, là một huyện thuần nông, thuộc vùng sâu, vùng xa, Châu Đức cũng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất trên toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 15 dân tộc thiểu số anh em cùng sinh sống. Đến cuối năm 2023, huyện Châu Đức không còn hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh (thoát nghèo 610/610 hộ, đạt 100% kế hoạch), hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của cả giai đoạn sớm 2 năm.
Nói về mô hình “Biến rác thải thành tiền”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Minh Hiền cho biết, mô hình do Hội phát động với tên gọi ban đầu là “Thu gom phế liệu bảo vệ môi trường”, thực hiện ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư.
Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời giúp hội xây dựng được nguồn quỹ để thực hiện các hoạt động giảm nghèo, nhân đạo từ thiện.
Khi thực hiện mô hình này, Hội phải dày công vận động hội viên phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình. Trước đây khi vận động gây quỹ nhân ái, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, Hội phải quyên góp bằng tiền thì nay, người dân ủng hộ bằng vật liệu có thể tái chế được.
Từ mô hình ban đầu, đến nay đã có trên 900 mô hình của 231 xã/260 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Số tiền thu được đã lên tới 1,7 tỷ đồng, để làm những việc nhân văn như thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” (các cấp hội đã nhận đỡ đầu và kết nối đỡ đầu cho 824 cháu có hoàn cảnh khó khăn), mua xe đạp "Nâng bước em đến trường", hỗ trợ gia đình hội viên nghèo... Mô hình đã lan tỏa, phát huy tinh thần thương thân tương ái trong cộng đồng và được lựa chọn là mô hình “dân vận khéo” của tỉnh.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về định hướng giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020. Phong trào đã góp phần cải thiện rõ rệt đời sống người dân, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao đã có tiến bộ rõ rệt trong công tác giảm nghèo. Các dịch vụ cơ bản cho người dân hưởng thụ như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin, vay vốn ưu đãi được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi và khởi sắc.
Công tác an sinh, chăm lo đời sống cho người nghèo tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là một số tỉnh đã có sự quan tâm lớn, có hiệu quả để người dân được vay vốn, chủ động sản xuất, làm ăn vươn lên thoát nghèo. Phong trào thi đua đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đóng góp cho những thành tựu giảm nghèo nổi bật của Việt Nam thời gian qua, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giảm nghèo bền vững, ghi nhận, cổ vũ, động viên, khích lệ sự quan tâm vào cuộc và phát huy trách nhiệm của người dân cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo và vì người nghèo, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 666/QĐ-TTg về Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025.
Phong trào nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể và gia đình, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Việc thực hiện phong trào thi đua đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong các phong trào thi đua của các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; UBND các tỉnh, thành phố; các tổ chức kinh tế, xã hội, nghề nghiệp và các cụm, khối thi đua giai đoạn 2021-2023.
Năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%). Ước tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Dự kiến cuối năm 2023 có thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, sẽ góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đối với 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% vào cuối năm 2025 theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.