Theo đó chính quyền các cấp ở tỉnh Gia Lai chung tay chia sẻ khó khăn với người dân một cách nhanh nhất.
Bà Rơ Com Sa Duyên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chi trả tiền hỗ trợ cho người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tuy nhiên, các địa phương cần phải tiến hành rà soát, thẩm định kỹ hoàn cảnh của từng người dân để chính sách hỗ trợ của nhà nước đến đúng người, đúng đối tượng.
Thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 9/9, tỉnh Gia Lai đã chi trả các khoản tiền ăn cho F0, tiền ăn cho F1, hỗ trợ thêm cho trẻ em F0, F1 đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế với số tiền hơn 17,6 tỷ đồng.
Tỉnh cũng đã chi trả kinh phí hỗ trợ cho 33 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó hỗ trợ bổ sung cho 2 lao động mang thai và 9 trẻ em) với số tiền hơn 133 triệu đồng.
Theo số liệu báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh có 4.527 công ty, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, trong đó 159 doanh nghiệp vận tải; 14 doanh nghiệp hoạt động du lịch, 72 doanh nghiệp hoạt động lưu trú (khách sạn) và 6 doanh nghiệp làm dịch vụ cung ứng lao động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hiện nay qua phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội, trên địa bàn tỉnh chỉ có hơn 2.000 người sử dụng lao động có tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chiếm 45,46% số người sử dụng lao động trên địa bàn. Tính đến ngày 31/8/2021, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội đã cho vay 43 lượt người sử dụng lao động, số tiền gần 3 tỷ đồng, trả lương ngừng việc cho 904 lượt lao động.
Ông Lê Văn Chí - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách tỉnh Gia Lai cho biết, "trong thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các địa phương quyết liệt chỉ đạo, triển khai chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với tinh thần bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người sử dụng lao động tiếp cận vốn một cách nhanh nhất, sử dụng vốn vay đúng mục đích."
Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai cũng lập danh sách các công dân có hộ khẩu ở tỉnh đang bị mắc kẹt tại các vùng dịch để hỗ trợ bằng tiền mặt với giá trị 1 triệu đồng/người. Số tiền này được chi trả qua gia đình tại Gia Lai hoặc chuyển khoản trực tiếp. Hiện đã có 684 người được phê duyệt để tỉnh hỗ trợ. Đồng thời lên phương án đón các công dân sớm nhất có thể để tạo điều kiện an sinh cho người dân một cách tốt nhất.
Qua khảo sát tại phường Hội Thương thành phố Pleiku tính đến ngày 9/9/2021 đã trình 183 hồ sơ người lao động, 8 hộ kinh doanh có đăng ký thuế lên UBND thành phố Pleiku để phê duyệt. Trong đó đã chi trả được 80% cho số hồ sơ đã nộp.
Trao đổi với phóng viên bà Lưu Kim Chi – Phó Chủ tịch UBND phường Hội Thương cho biết đã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể phường, các tổ dân phố triển khai vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở thờ tự, nhà hảo tâm trên địa bàn cùng chung tay với chính quyền địa phương kịp thời chăm lo cho các hộ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 góp phần giúp cho người dân ổn định cuộc sống. Kết quả đến ngày 7/9/2021, UBND phường đã tổ chức trao tặng 610 suất quà cho 610 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với trị giá khoảng 138.000.000 đồng.
Tính đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có 570 cửa hàng tạp hoá và 4.811 người lao động không có giao kết lao động đã được chính quyền các địa phương chi trả với số tiền 8,9 tỷ đồng. Trước sự quyết liệt chăm lo cho người dân, bà Trần Thị Hà Vi thuộc tổ 5 phường Hội Thương xúc động nói "thật sự nếu không có chính quyền địa phương các cấp chăm lo, chúng tôi không biết phải làm sao. Thay mặt người dân được giúp đỡ, tôi xin cảm ơn Đảng và Nhà đã chăm lo cho những người dân gặp khó khan trong mùa dịch này."