Thu nhập của người nghèo tăng 2,3 lần
Đánh giá về kết quả công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 -2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam đã đưa tỷ lệ nghèo từ 9,88% năm 2015 về còn 3,75% vào năm 2019 và dự kiến dưới 3% trong năm 2020. Kết quả này đưa Việt Nam thành quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. Trong tất cả trách nhiệm đối với nhân dân, giảm nghèo là nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, công tác xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Để thực hiện được điều đó, Quốc hội và Chính phủ đã rất quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo thông qua nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể. Chỉ riêng chính sách thường xuyên hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, hộ cận nghèo đã là khoảng 25.000 tỷ đồng/năm chi cho hỗ trợ BHYT, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý, tiền điện…
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tới thời điểm này, thu nhập bình quân của người nghèo đã tăng 2,3 lần giai đoạn 2016 -2020, hơn 13.000 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi với tổng kinh phí thực hiện 8.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Chương trình còn giúp hơn 2,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được dạy nghề, tạo việc làm. Hỗ trợ cho 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài… Đến nay, theo tổng hợp từ các địa phương, có 32 huyện nghèo, 103 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn. Đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 550 xã hoàn thành Chương trình 135 và 1.286 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135".
Mỗi xã, huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu
Về định hướng giảm nghèo trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Đầu tư cho giảm nghèo là đầu tư cho phát triển; bảo đảm người nghèo được tham gia và thụ hưởng thành quả tăng trưởng kinh tế của đất nước, bảo đảm công bằng xã hội. Thời gian tới, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và nhân dân nhằm tạo đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; thúc đẩy phong trào "thoát nghèo" sâu rộng trên phạm vi cả nước; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên của người dân, của người nghèo.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, cần bố trí đủ ngân sách; ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội các vùng khó khăn. Phối hợp chặt chẽ với UBTƯMTTQ Việt Nam huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tăng cường công tác quản lý nhà nước; cải cách thủ tục hành chính để người dân, cộng đồng thuận lợi hơn khi tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, sai phạm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, những việc đã làm được là điểm sáng trên thế giới, nhưng còn khiêm tốn so với những thách thức, nhất là những thách thức trước mắt. Là một quốc gia mà hậu quả của chiến tranh đối với con người vẫn còn rất nặng nề, đồng thời lại là một trong những quốc gia chịu tổn thương lớn nhất trên thế giới từ biến đổi khí hậu và thường xuyên chịu thiên tai, công cuộc xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo sẽ luôn là thách thức lớn đối với tất cả chúng ta.
Thủ tướng lưu ý, hiện kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn cao. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện nay chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả.
Nghèo đói là vấn đề kinh tế - xã hội lớn không chỉ ở nước ta mà còn là vấn đề của toàn cầu. Từ đầu năm đến nay, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, các tổ chức quốc tế cảnh báo những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu bền vững bị gián đoạn. Cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Tổ chức Oxfam ước tính Covid-19 khiến nửa tỷ người, khoảng trên 8% dân số thế giới lâm cảnh nghèo đói. Đây thực sự là một thử thách lớn đối với cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu. "Chính vì vậy, giảm nghèo trong thời gian tới là công việc của cả trí tuệ và trái tim", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo.
Theo Thủ tướng, cần đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề, "tạo điều kiện thông thương là con đường căn bản để giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn lực để họ tự vươn lên". Dân trí, giáo dục, dạy nghề là những bài toán quan trọng để góp phần mục tiêu quan trọng xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cần tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện. "Tôi xin nhắc lại giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim. Bác Hồ đã từng dạy: Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi". Chừng nào còn có người dân bị đói, rét hay không có tiền chữa bệnh, đi học là chúng ta có lỗi và chúng ta phải cố gắng khắc phục điều này", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đề nghị cả nước triển khai phong trào mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương. Với cách làm sáng tạo hơn nữa, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Các địa phương có điều kiện, phát triển khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính quyền phải sát dân hơn, nắm vững từng hộ để có biện pháp hỗ trợ cụ thể.