Trong giai đoạn 2016 – 2019, tỉnh Hà Giang ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững với mục tiêu: Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 4%/năm; các huyện nghèo, xã nghèo giảm 6%/năm và hạn chế tái nghèo. Trên cơ sở đó, các ngành, huyện xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế; triển khai các giải pháp đến từng lĩnh vực, từng xã, thôn bản và hộ nghèo; tạo điều kiện để hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản.
Nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống như: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ học sinh bán trú chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, hộ có mức sống trung bình làm nghề nông, lâm nghiệp; chương trình đẩy mạnh xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh; hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo...
Đặc biệt, đối với các công trình hạ tầng cấp huyện, xã thực hiện cơ chế tạo việc làm cho người nghèo và người dân trên địa bàn; công trình hạ tầng cấp thôn, bản giao cho cộng đồng làm chủ đầu tư; tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động giảm nghèo từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả. Chuyển phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thu hồi luân chuyển, nhân rộng mô hình Quỹ phát triển cộng đồng nhằm bảo toàn nguồn vốn; tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; chống tư tưởng trông chờ ỷ lại, đảm bảo tính bền vững trong giảm nghèo.
Bên cạnh đó, tỉnh tích cực vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các huyện, xã nghèo xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; chuyển giao khoa học - kỹ thuật; đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Duy trì Quỹ Ngày vì người nghèo và các nguồn vốn hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Các cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn theo quyết định của Tỉnh ủy tích cực vận động cán bộ, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu.
Tính đến 30/6/2019, tổng dư nợ cho vay đạt trên 2.881,3 tỷ đồng/84.392 khách hàng với 15 chương trình tín dụng chính sách. Doanh số cho vay các chương trình tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2014 - 2019 đạt trên 4.116,8 tỷ đồng/141.831 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội không ngừng được nâng cao; tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,67% cuối năm 2014 xuống còn 0,21% thời điểm cuối tháng 6/2019.
Thông qua vốn tín dụng chính sách, 27.832 hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo; 413 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em các hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn đi học; góp phần tạo việc làm cho trên 7.441 lao động tại địa phương; 28.722 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng đảm bảo theo tiêu chuẩn; 1.221 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được xây dựng.
Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng: Giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh giảm được 18.230 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 31,17%; trong đó, các huyện nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 46,25%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 19,09 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 41,6%; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt 98,5%; 100% xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; 1.128 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; 81,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 57% hộ nghèo được tiếp cận thông tin. Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng; nhiều mô hình giảm nghèo được nhân rộng.