Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Hà Tĩnh áp dụng nhiều giải pháp để theo đuổi mục tiêu giảm nghèo 0,6-1%/năm

Thu Hương
Thu Hương

Thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, xem đây là yếu tố cốt lõi để thực hiện an sinh xã hội bền vững, hỗ trợ đa chiều để người nghèo từng bước vươn lên.

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp, ngành ở Hà Tĩnh đã tạo mọi điều kiện để các gia đình khó khăn được tiếp cận, thụ hưởng chính sách giảm nghèo bền vững, góp phần vào mục tiêu giảm 0,6-1%/năm.

Để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo (MTQG) hiệu quả, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản có tính chiến lược, dài hạn như: Kế hoạch giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo năm 2023.

Bên cạnh đó, công tác quản lý hộ nghèo, cận nghèo được cập nhật hoàn thành 100% lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Năm 2023, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã huy động được 118 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 110.202 triệu đồng; ngân sách tỉnh gần 8 tỷ đồng. 

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình năm 2023 là gần 42 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 50%, bao gồm cả nguồn huy động từ người dân), trong đó nguồn năm 2022 chuyển sang là hơn 15 tỷ đồng, nguồn bố trí năm 2023 là gần 27 tỷ triệu đồng.

Hà Tĩnh áp dụng nhiều giải pháp để theo đuổi mục tiêu giảm nghèo 0,6-1%/năm - 1
Chị Lê Thị Duyên (SN 1988, thôn Kim Bình, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, Hà Tĩnh), từ một hộ nghèo đã vươn lên có mức thu nhập khá từ nuôi dê (Ảnh: Thu Hương).

Theo đó, toàn tỉnh đã triển khai 160 mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo; mỗi mô hình có mức hỗ trợ từ 100-200 triệu đồng, hỗ trợ cho 15-20 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Các mô hình chủ yếu là hỗ trợ giống, thức ăn, chuồng trại chăn nuôi gà, chăn nuôi bò, nuôi ong lấy mật, trồng cam, ổi… ở các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn.

Trong năm 2023, đã có gần 600 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có người khuyết tật không có sinh kế ổn định được hỗ trợ.

Đối với tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các địa phương chủ yếu tập trung hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi đã phát huy giá trị kinh tế ở địa phương như bò, gà, ong, cây ăn quả...

Chị Lê Thị Duyên (SN 1988, thôn Kim Bình, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, Hà Tĩnh), từ một hộ nghèo đã vươn lên có mức thu nhập khá của xã cho biết: "Những năm trước, gia đình 4 miệng ăn luôn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau, nhiều năm liền trong trong danh sách hộ nghèo. 

Năm 2019, tôi được hỗ trợ làm nhà tình thương, xã còn quan tâm kết nối với nhiều tổ chức để hỗ trợ đàn dê trị giá 10 triệu đồng để làm kinh tế. Lứa này bán thì gối lứa kia, nhờ chăn nuôi tốt, gia đình bắt đầu có chút vốn liếng rồi dần dần thoát nghèo".

Trong những năm qua, Hà Tĩnh cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo. Triển khai tốt các hoạt động nâng cao năng lực giám sát đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo.  

Đến cuối năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đã hoàn thành thẩm định đánh giá 2 huyện nông thôn mới là Kỳ Anh và Lộc Hà. Phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng tỉnh thực hiện một số nội dung liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng giữa kỳ trong phong trào thi đua “Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đôn đốc các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Để thực hiện tốt chương giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc tăng cường vai trò quản lý thì công tác giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng được Hà Tĩnh rất quan tâm. 

Tháng 7/2024, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 4093 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 gửi các cơn quan, ban ngành và các huyện, thành phố, thị xã.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm chủ trì, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh (chương trình giảm nghèo).

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Phan Tấn Linh cho biết: "Để thực hiện tốt chương giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc tăng cường vai trò quản lý thì công tác giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng được Hà Tĩnh rất quan tâm.

Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh có văn bản đôn đốc việc giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đối với các nội dung được UBND tỉnh giao vốn".

Được biết, trước đó, ngày 9/4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký Quyết định số 907/QĐ-UBND về việc phân bổ kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 với số tiền hơn 92,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 86,2 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh.

Theo ông Phan Tấn Linh: “Để phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 0,6-1,0%/năm; đến năm 2025, có 100% xã tỷ lệ nghèo đa chiều đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.

Thời gian tới, Hà Tĩnh tập trung triển khai thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người nghèo, cận nghèo như: hỗ trợ sinh kế và các mô hình giảm nghèo; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm...”

“Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân”, ông Linh nhấn mạnh.