Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Hà Tĩnh: Công tác giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức

(Dân sinh) - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,82% vào năm 2018. Tuy nhiên không thể nói thách thức lớn đang đặt ra đối với Hà Tĩnh trong việc giảm nghèo có thực sự bền vững hay không.

Hà Tĩnh: Thách thức không hề nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Huy động nguồn vốn từ các tổ chức xây nhà ở nhân ái cho hộ nghèo tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê

Một trong những giải pháp trong công tác giảm nghèo bền vững mà Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Hà Tĩnh xác định quyết tâm thực hiện có hiệu quả là hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề và xuất khẩu lao động; hỗ trợ về y tế, nhà ở và triển khai hiệu quả các chương trình, dự án đặc thù...

Nhìn chung, các chính sách triển khai đều đem đến hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân; góp phần làm thay đổi phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng đặc biệt khó khăn.

Hà Tĩnh: Thách thức không hề nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Bộ Trưởng Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung trao quà cho đối tượng hộ nghèo bị ảnh hưởng bão lũ tại Hà Tĩnh

Thực hiện chương trình giảm nghèo trong điều kiện khó khăn, do đó, mục tiêu giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong quá trình chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị các cấp.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động- Thương binh & Xã hội Hà Tĩnh: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,4% (đầu năm 2016) xuống 6,92% (năm 2018), hộ cận nghèo giảm từ 8,4% xuống 6,57%. Tổng kinh phí huy động thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2018 trên toàn tỉnh là 5.515 tỷ đồng, trong đó ngoài nguồn ngân sách nhà nước, nguồn huy động được 122,8 tỷ đồng và vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội trên 3.687 tỷ đồng.

Hà Tĩnh: Thách thức không hề nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững - Ảnh 3.

Người dân Hà Tĩnh chung tay xây nhà ở cho hộ nghèo

Nhờ đó Hà Tĩnh đã cho 32.460 lượt hộ dân vay vốn để phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp với tổng kinh phí gần 45 tỷ đồng; tổ chức đào tạo nghề cho 6.195 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, kinh phí hỗ trợ gần 15 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 2.812 hộ nghèo với tổng kinh phí gần 88 tỷ đồng; 247 công trình được đầu tư xây dựng, trong đó có 32 công trình tại các huyện nghèo, 105 công trình hạ tầng tại các xã bãi ngang ven biển, 110 công trình tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi...

Tuy nhiên, nhiệm vụ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững vẫn là một thách thức lớn đối với Hà Tĩnh. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trong năm 2019 từ 1,0 - 1,5%, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 4,5%.

Hà Tĩnh: Thách thức không hề nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững - Ảnh 4.

Nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh)

Ông Nguyễn Xuân Thông, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội Hà Tĩnh cho rằng: "Hà Tĩnh cần thực hiện tốt các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tăng thu nhập của người dân. Đồng thời, phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, sâu rộng, đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, huy động sự tham gia tích cực của toàn thể nhân dân”.