Tạo sinh kế cho người nghèo
Chương trình MTQG giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự đồng thuận nên nhiều chỉ tiêu giảm nghèo đạt khá so với mục tiêu kế hoạch.
Một trong những yếu tố tạo nên kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội là Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, rà soát, đánh giá, phân tích kỹ nguyên nhân nghèo của từng hộ để có các giải pháp tác động phù hợp, nhằm giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021– 2025 và để hoàn thành mục tiêu mỗi năm giảm 0,6 - 1,0% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Tỉnh Hà Tĩnh xác định triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người nghèo, cận nghèo; huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đồng thời, thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên địa bàn...
Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương đã rất quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân; các chính sách về hỗ trợ BHYT, tiền điện, hỗ trợ giáo dục, nhà ở, vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội…
Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh triển khai 20 - 30 mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo; mỗi mô hình từ 100 - 200 triệu đồng, hỗ trợ cho 15 - 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Các mô hình chủ yếu hỗ trợ giống, thức ăn, chuồng trại chăn nuôi gà, bò, nuôi ong lấy mật, trồng cam, ổi... ở các huyện: Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn...
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo đặc thù phù hợp với thực trạng hộ nghèo trên địa bàn như: đối với nhóm hộ nghèo có khả năng lao động, tập trung hỗ trợ sinh kế, dạy nghề, giải quyết việc làm thông qua hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…
Đối với nhóm hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, ưu tiên tập trung hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ thu nhập hằng tháng.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Phan Tấn Linh cho biết: Trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo để toàn thể người dân biết và phối hợp thực hiện. Đổi mới, nâng cao chất lượng phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững…
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các cơ chế, chính sách, chương trình mục tiêu về giảm nghèo, phân tích, đánh giá kỹ nguyên nhân nghèo của từng hộ đồng thời thực hiện nhóm giải pháp cụ thể.
Tiếp tục tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động...”
Tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững
Chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được thể chế hóa thông qua nhiều Nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện phân cấp, phân quyền, phân bổ kịp thời nguồn lực từ CTMTQG của TW, các cấp chính quyền địa phương, nguồn lực xã hội hóa và gắn trách nhiệm của người dân ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Chính sách giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân; đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Phong trào thi đua "Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau" huy động được mọi nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân.
Hà Tĩnh là địa phương tiên phong, làm tốt công tác xã hội hóa hỗ trợ nhà ở, thu nhập cho hộ nghèo thuộc nhóm bảo trợ xã hội, người có công là thành viên hộ nghèo, đảm bảo mức sống tối thiểu của đối tượng cao hơn mức chuẩn nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.
Ông Linh chia sẻ thêm: "Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn khi mà tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn đang còn ở mức cao.
Vì vậy rất cần sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay góp sức của toàn xã hội và sự nỗ lực vượt bậc của chính người nghèo mới có thể hoàn thành được chương trình đề án giảm nghèo nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống mức thấp nhất".
"Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo giữa các địa phương ở Hà Tĩnh còn chênh lệch quá lớn. Cần rà soát, đánh giá chính xác hộ nghèo, điều chỉnh lại chỉ tiêu giảm nghèo, huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững gắn với công tác kiểm tra, trách nhiệm người đứng đầu.
Để đạt được mục tiêu, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau", gắn hoạt động giảm nghèo với phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới…
Trước những kết quả, thành tựu đã đạt được là tiền đề quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nghèo, vùng khó phát triển, giảm nghèo nhanh và bền vững trong thời gian tới”, ông Linh nhấn mạnh.