Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hậu Giang: Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giảm nghèo bền vững

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nghèo, các ngành, các cấp và địa phương ở Hậu Giang đã thực hiện nhiều giải pháp để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Cũng nhờ được vay vốn đầu tư vào mô hình chăn nuôi, kinh tế gia đình chị Thị Huệ, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh ngày càng khởi sắc và thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo của ấp. Chị đang nuôi 50 con vịt đẻ, mỗi ngày cũng thu về vài chục đến trăm nghìn đồng từ việc bán trứng vịt. Theo chị Huệ, trước đây gia đình chị rất khó khăn, nhờ có chính quyền giúp đỡ kinh tế nay đã đỡ cực hơn trước. Dẫu cuộc sống hiện nay chưa phải đã đủ đầy, nhưng ổn định hơn trước rất nhiều. Mô hình chăn nuôi vịt nhỏ lẻ bước đầu đã phát huy hiệu quả. Chị Huệ tính sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. 

Hậu Giang: Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Nhiều gia đình ở Hậu Giang đã vươn lên nhờ các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Trước đây một phần không có vốn, lại thiếu kiến thức chăn nuôi nên chị Huệ luôn lo sợ không dám đầu tư phát triển chăn nuôi. Cùng với được ưu tiên vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, lại được tập huấn kiến thức chăn nuôi, chị Huệ bước đầu đã chăn nuôi hiệu quả. Cách đây 2 năm, gia đình chị Huệ còn được hỗ trợ căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng thay thế căn nhà lụp xụp trước đó. Để kinh tế gia đình ngày càng phát triển, chị trồng thêm 20 cây dừa, hiện dừa đang phát triển tốt.

Không chỉ gia đình chị Huệ mà nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có cuộc sống tốt hơn nhờ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Từ đó, giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn…

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hậu Giang cho biết, trong thực hiện công tác giảm nghèo, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương hướng dẫn những mô hình làm ăn có hiệu quả, chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo. Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên là con hộ nghèo. Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh việc thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn một số xã, thực hiện tốt việc cung cấp tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nguồn vốn vay ưu đãi đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc giúp các hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Nhiều hộ vay vốn có điều kiện mua sắm thêm các phương tiện sản xuất góp phần nâng cao đời sống, có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát được đói nghèo và vươn lên làm giàu.

Cùng với các giải pháp, chương trình, dự án, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân là một trong những giải pháp quan trọng. Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, các xã, phường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo nhận thức sâu sắc, khơi dậy quyết tâm thoát nghèo của người dân. Bởi chỉ khi nào người dân chủ động vươn lên thì mới thoát nghèo bền vững. Rà soát các nguyên nhân dẫn đến nghèo của người dân, để có giải pháp giảm nghèo phù hợp. Cùng với đó, đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn.

Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, tỉnh còn thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở, cấp phát thẻ BHYT, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý cho người nghèo… Nhờ triển khai quyết liệt các chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm khá nhanh. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 14,9% thì đến cuối năm 2020 giảm còn 3,1%.

Những kết quả trên cho thấy, công tác giảm nghèo thực sự đi vào cuộc sống, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân. Qua đó, người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống ngày một nâng lên và cải thiện rõ nét…