Người nghèo được lấy ý kiến hỗ trợ con gì, cây gì và cam kết thực hiện
Một trong những nội dung được thảo luận tại hội thảo là hướng dẫn thực hiện nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Theo đề xuất của Nhóm tư vấn UNDP các dự án liên quan đến phát triển sinh kế, tạo thu nhập của các Chương trình MTQG bảo đảm tính bổ trợ lẫn nhau theo chuỗi giá trị, tránh chồng chéo. Đồng thời, cần tạo cơ chế mở để chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội và người dân tham gia các hoạt động, dự án đa dạng sinh kế, mô hình giảm nghèo.
Tạo mạng lưới để các bên liên quan gặp gỡ, kết nối, hỗ trợ lẫn nhau và cùng phát triển. Cần có tiêu chí lựa chọn hỗ trợ những hộ, cộng đồng nghèo có cam kết vượt khó, vươn lên thoát nghèo; có sự bảo đảm và đồng hành của chính quyền xã, theo dõi giám sát của thôn/bản. Cùng với đó, có hợp phần hỗ trợ kỹ thuật đồng hành cùng các mô hình để bảo đảm tính hiệu quả, bền vững và nhân rộng của mô hình/dự án.
Theo bản dự thảo nội dung Thông tư Hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do Bộ LĐ-TB&XH soạn thảo, nguyên tắc hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là phải đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng giới, có sự tham gia và cam kết của người dân trong việc xây dựng và thực hiện dự án. Hỗ trợ các sinh kế, mô hình giảm nghèo phù hợp với quy hoạch của địa phương. Phù hợp với thế mạnh của từng vùng, miền cũng như nhu cầu thị trường và bảo đảm hiệu quả bền vững.
Đặc biệt, việc hỗ trợ phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Ưu tiên hỗ trợ tham gia mô hình, dự án giảm nghèo đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Các mô hình không gây ô nhiễm môi trường và có tối đa 30% hộ không nghèo tham gia mô hình, dự án giảm nghèo.
3 dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
Theo dự thảo Thông tư, điều kiện hỗ trợ dự án xây dựng, thực hiện dự án mô hình giảm nghèo liên kết theo chuỗi giá trị, dự án liên kết phải xác định được kết quả về chỉ số tạo việc làm, mức tăng thu nhập, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo kế hoạch năm và thời điểm kết thúc dự án.
Chủ trì liên kết và các bên liên kết phải có hợp đồng hoặc biên bản hợp tác về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Đảm bảo tỷ lệ tham gia của người dân thuộc đối tượng đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Hỗ trợ xây dựng, thực hiện dự án mô hình giảm nghèo cộng đồng phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia dự án, mô hình là đối tượng hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên dự án do cộng đồng dân cư thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, có đại diện là phụ nữ đề xuất.
Cộng đồng dân cư đề xuất dự án là nhóm hộ được Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực; tổ hợp tác thành lập tự nguyện theo quy định của pháp luật; nhóm hộ do các tổ chức chính trị - xã hội làm đại diện; nhóm hộ do Ban phát triển thôn làm đại diện hoặc nhóm hộ do người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Tổ, nhóm cộng đồng phải có thành viên có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi. Hộ tham gia dự án phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, lao động, tư liệu sản xuất đáp ứng nội dung của dự án và cam kết đảm bảo phần đối ứng thực hiện dự án.
Điều kiện hỗ trợ xây dựng, thực hiện dự án mô hình giảm nghèo theo nhiệm vụ là xem xét khả năng áp dụng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị và mô hình cộng đồng nhưng không huy động được sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức khác hoặc không có đề xuất từ cộng đồng người dân. Hoặc dự án hỗ trợ người dân đang chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; dự án, mô hình cho các nhóm đối tượng yếu thế; hỗ trợ sản xuất gắn với củng cố quốc phòng an ninh, bình đẳng giới; mô hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới. Tối thiểu 70% phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước phải được dùng để hỗ trợ các hoạt động mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất liên quan trực tiếp đến người dân.