Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Huyện Bình Gia vượt qua khó khăn, tập trung thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 từ 5% trở lên.

Bình Gia là huyện nghèo miền núi của tỉnh Lạng Sơn. Toàn huyện có 18 xã và 1 thị trấn, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn, 92/142 thôn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025 của huyện ở mức cao, với số hộ nghèo chiếm 20,63%, số hộ cận nghèo chiếm 32,38%.

Xác định công tác giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn cấp xã. Đến nay, 19/19 xã, thị trấn đã thành lập theo quy định.

Tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Bình Gia.

Tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Bình Gia.

Tổng nguồn vốn đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Bình Gia là 209,886 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 203,773 tỷ đồng; ngân sách địa phương 6,113 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn sự nghiệp Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 91,061 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 88,409 tỷ đồng; ngân sách địa phương 2,652 tỷ đồng.

Năm 2022, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được phân bổ nguồn vốn vào tháng 9/2022, do các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình còn chậm hoặc chưa được ban hành nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án. Vì vậy, trong năm chỉ  giải ngân được 2,519 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 32,03%. Trong 6 tháng đầu năm 2023 giải ngân được 1,358 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3%. Huyện đã phân bổ kinh phí tập trung chủ yếu thực hiện các dự án nâng cao năng lực, truyền thông giảm nghèo, kiểm tra, giám sát đánh giá chương trình, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng…

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững luôn nhận được  sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của  Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Nguồn vốn thực hiện Chương trình được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trong đó ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Huyện đã thực hiện phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành.

Các địa phương trong huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với người nghèo, nhất là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt... chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo từ cấp huyện, xã đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện Bình Gia đã hỗ trợ 104 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 6,221 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình là 252,972 tỷ đồng với 97.881 hộ dư nợ. Triển khai tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững cho 509 đại biểu là cán bộ giảm nghèo cấp xã, thôn, khu phố và đại diện cộng đồng, người uy tín; Bảo đảm 100% công chức phụ trách công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, khu phố, người có uy tín tại cộng đồng, cán bộ đoàn thể xã được tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, huyện Bình Gia cũng gặp một số khó khăn như: Các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình MTQG  ban hành chưa kịp thời. Nguồn thu ngân sách huyện còn hạn chế nên việc cân đối, bố trí vốn đối ứng thực hiện Chương trình giảm nghèo gặp khó khăn. UBND các xã, thị trấn và cộng đồng dân cư chưa chủ động nghiên cứu, đề xuất, lựa chọn các dự án, mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất.

Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo. Triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án một cách thiết thực, mang lại hiệu quả, xây dựng các mô hình thực tế để áp dụng tại các địa phương.