Nơi đây nổi tiếng bởi khung cảnh biển mây bồng bềnh hư ảo, những nếp nhà tường trình cổ kính và đặc biệt là vẫn giữ được nét độc đáo của người Hà Nhì.
Say đắm Choản Thèn
Tọa lạc ở độ cao trên 2000m so với mực nước biển, Choản Thèn tựa mình vào dãy Nhìu Cồ San hùng vĩ. Choản Thèn là một trong những thôn cổ của đồng bào Hà Nhì đen, đến nay, thôn vẫn lưu giữ được vẹn nguyên nét đẹp truyền thống và bản sắc văn hoá độc đáo của người Hà Nhì nơi đây.
Choản Thèn dịch từ tiếng Hà Nhì có nghĩa là bản làng có hình tròn và xung quanh là những thửa ruộng bậc thang bao quanh.
Bản Choản Thèn đẹp quanh năm nhưng với từng thời điểm vùng đất này lại đẹp và quyến rũ theo một cách riêng. Từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau là thời gian lý tưởng nhất để du khách săn mây.
Thời gian này, cả thung lũng rộng lớn chỉ sau một đêm đã nằm gọn dưới những lớp mây, biến những đỉnh núi cao thành những hòn đảo nhỏ trong biển mây trắng xóa, đẹp như lạc vào chốn bồng lai. Vào độ tháng 5, tháng 6 mùa nước đổ, ruộng bậc thang Choản Thèn lấp lánh dưới nắng, bắt đầu một mùa vụ mới, để rồi từ tháng 8 giữa tháng 9 mùa lúa chín cũng rất tuyệt.
Trong hành trình khám phá mảnh đất Y Tý, du khách không thể bỏ qua công viên Choản Thèn, cách trung tâm xã tầm 1km. “Công viên Choản Thèn” hay “Công viên Y Tý” là tên gọi ưu ái của những người dân địa phương và khách du lịch khi tới khoảng đất trống nằm cuối con đường xuyên qua bản Choản Thèn.
Với hai cây dẻ sồi cổ thụ uy nghi cùng vươn lên đón nắng ấm, dưới chân là con đường mòn nhỏ, xung quanh là những thửa ruộng bậc thang, núi đồi trập trùng phía xa xa tạo nên một không gian bình yên.
Đây là nơi diễn ra Lễ hội Khô Già Già - lễ hội cầu mùa lớn nhất và lâu đời nhất mạng đậm bản sắc văn hoá dân tộc của người Hà Nhì.
Nếu như người Kinh có câu “Làm nhà, lấy vợ, tậu trâu” để chỉ ba việc lớn của đời người, thì người Hà Nhì lại có câu “Lạ khố khố hứ chà”, có nghĩa rằng, ngôi nhà là quan trọng nhất. Dọc con đường nhỏ trong bản Choản Thèn, những ngôi nhà tường đất vàng rộm như sắc rơm ngày mùa, vuông vắn và xinh xắn như trong cổ tích.
Thường diện tích trung bình mỗi ngôi nhà dao động khoảng 65 - 80m2, có mái dốc ngắn (4 mái) và không có hiên. Có những ngôi nhà tuổi đời cả trăm năm với mái gianh nhuốm màu rêu phong đẹp mắt đến lạ.
Những ngôi nhà trình tường ở bản Choản Thèn cũng tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt. Những nếp nhà trình tường giúp giữ ấm vào mùa đông và làm cho không khí mát mẻ vào mùa hè. Nhà được xây đơn sơ nhưng chắc chắn, nhìn từ xa trông như một cái nấm khổng lồ.
Đến bản Choản Thèn, du khách rất dễ bắt gặp hình ảnh những cụ bà ngồi trên bậu cửa nhà trình tường ru cháu ngủ bằng tiếng bản địa. Tiếng ru như giới thiệu cho du khách về một “miền cổ tích” đã có tuổi đời hàng trăm năm.
Ngoài ra, người Hà Nhì đen nơi Choản Thèn vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa như trang phục truyền thống, nghề nấu rượu, đan lát, trang trí hoa văn thổ cẩm và các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội, trò chơi dân gian.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa
Sức hấp dẫn riêng có của Choản Thèn chính là nguồn tài nguyên phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, giúp người dân có thêm nguồn sinh kế. Tháng 6/2021, tỉnh Lào Cai đã công nhận bản Choản Thèn là điểm du lịch, mở ra cơ hội đưa Choản Thèn trở thành bản du lịch cộng đồng đặc sắc.
Nhờ sự trợ giúp của Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (GREAT - đại diện cho Chính phủ Australia), tại Choản Thèn đã xây dựng được Tổ du lịch cộng đồng do phụ nữ Hà Nhì làm chủ.
Theo đó, các bên đã chung tay xây dựng Nhà du lịch cộng đồng - Choản Thèn CBT House; tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng cho Tổ quản lý Nhà du lịch cộng đồng; hỗ trợ cải tạo nhà ở cho 34 hộ dân; dạy tiếng Việt cho 33 phụ nữ Hà Nhì...
Theo chị Ly Xá Gơ, thành viên Tổ quản lý Nhà du lịch cộng đồng Choản Thèn, sau khi được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, các thành viên của Choản Thèn CBT House cũng như người dân trong bản ngày càng có ý thức trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường cảnh quan và bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Nhờ đó, trong bản không còn tình trạng thả rông gia súc, gia cầm; chuồng trại được di chuyển xa khu dân cư; rác thải được tập trung xử lý. Nhiều gia đình đã đầu tư chỉnh trang nhà cửa làm homestay với các dịch vụ đạt tiêu chuẩn để đón khách.
Đến nay, các gia đình tham gia kinh doanh homestay, thu nhập được nâng lên với mức trung bình 15 triệu đồng/tháng/hộ.
Sự phát triển của du lịch cũng đã giúp người dân Choản Thèn nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Họ bảo nhau gìn giữ kiến trúc nhà trình tường, trang phục dân tộc, ẩm thực hay các nghề truyền thống như đan mâm mây, nấu rượu, thêu thổ cẩm...
Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian, lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ cũng được bảo tồn nguyên vẹn, đặc biệt là nghệ thuật chơi đàn hó tơ - một loại nhạc cụ độc đáo của người Hà Nhì cũng được truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Với sự đầu tư phát triển một cách bài bản, Choản Thèn được kỳ vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn trong hành trình đến Y Tý - “Sa Pa thứ hai” của tỉnh Lào Cai.
Khánh Linh
Báo Lao động và Xã hội số 114