Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

“Khát” vốn vay giải quyết việc làm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm của người dân khu vực nông thôn rất cao. Song do nguồn vốn hạn chế, nhiều gia đình và cá nhân chưa thể tiếp cận.

“Cần câu” cho người dân vùng khó

Nhiều năm qua, cái nghèo vẫn đeo bám gia đình ông Lò Văn Toán (bản Heo Trại, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Mặc dù vợ chồng ông Lò Văn Toán luôn chăm chỉ lao động sản xuất nhưng với 1.000m2 ruộng chỉ giúp gia đình ông không bị đói chứ chưa thể thoát nghèo.

Năm 2015, qua tổ chức Hội Nông dân xã, hộ ông Toán được vay 10 triệu đồng mua giống cây cà phê.

Lò Thị Dung- von vay GQVL.jpeg
Nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.

Nhờ chăm chỉ làm ăn, tích góp và hiệu quả từ cà phê mang lại, năm 2021, gia đình ông đã thoát nghèo. Tháng 6/2023, ông tiếp tục được tạo điều kiện vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 100 triệu đồng để mở rộng diện tích sản xuất cây cà phê kết hợp chăn nuôi.

Ông Toán phấn khởi cho biết: “Nhờ vốn vay chính sách, gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế. Với hơn 1ha cà phê vụ vừa qua, chúng tôi thu lãi 40 triệu đồng. Năm 2024,  tôi tiếp tục đầu tư trồng 1ha cây cà phê nữa”.

Gia đình anh Lường Văn Thường (bản Bỉa, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu) là hộ nghèo của bản. Năm 2023, gia đình anh được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách 100 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Hiện gia đình anh có 6 con bò đực, 6 con lợn, 5.000m2 cà phê. Anh Thường còn làm thêm nghề sửa chữa xe máy nên thu nhập ngày càng được nâng lên.

“Đến nay, tổng dư nợ của Tổ Tiết kiệm và vay vốn bản Bỉa đạt 3,4 tỷ đồng với 58 hộ vay vốn còn dư nợ. Các chương trình vốn vay ưu đãi được người dân tiếp cận chủ yếu là cho vay hộ nghèo, cận nghèo và giải quyết việc làm; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Hộ vay nhiều nhất là 120 triệu đồng, ít nhất là 25 triệu đồng”, ông Tòng Văn Lượng, Tổ trưởng Tổ vay vốn bản Bỉa cho biết.

Ông Hoàng Xuân Trường, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Sơn La cho biết, xác định chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm.

Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn mô hình, dự án với trên 16.000 lượt hộ dân được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm. Tổng dư nợ đạt trên 906 tỷ đồng. Qua đó, hàng nghìn lao động đã được tạo việc làm ổn định.

 Đây cũng là một trong các chương trình tín dụng hiệu quả nhất của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Sơn La thời gian qua. Các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào phát triển trang trại, nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất,  kinh doanh, giúp thoát nghèo bền vững.

Trong quá trình triển khai, cùng với tăng cường tuyên truyền, giải ngân cho các đối tượng vay vốn, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, hỗ trợ phát triển ngành nghề, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Nguồn vốn không đủ đáp ứng nhu cầu

Không chỉ ở những vùng khó khăn, ngay tại Hà Nội, nhờ nguồn vốn ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, nhiều hộ dân ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì không chỉ ổn định cuộc sống mà còn vươn lên làm giàu.

Điển hình là gia đình bà Nguyễn Thị Dung được vay ưu đãi 50 triệu đồng, đã đầu tư máy móc sản xuất chỉ tơ, tạo công ăn việc làm cho 5 - 7 lao động với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/người/ tháng.

Chủ tịch UBND xã Tân Triều Đặng Ngọc Quyền thông tin, tổng nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn đạt xã đạt gần 44 tỷ đồng và khoảng 70% là cho vay giải quyết việc làm. Tuy nhiên, nguồn vốn mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của người dân và số tiền được vay còn thấp (50 triệu đồng/hộ) nên cần nâng mức vay tối đa lên gấp đôi hiện nay để đầu tư hiệu quả hơn.

Tại huyện Gia Lâm, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của nông dân cũng rất cao. Ông Trần Chí Nguyện (thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn) đã sử dụng khoản vay ưu đãi để chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng bưởi trên diện tích 3ha.

Nhờ áp dụng kỹ thuật mới và sử dụng phân bón hữu cơ, thu nhập từ trồng bưởi đã tăng đáng kể, đạt khoảng 10 triệu đồng/sào so với 3 triệu đồng/sào khi trồng lúa. Mỗi năm, vườn bưởi mang lại thu nhập gần 400 triệu đồng.

Đến nay, tổng dư nợ từ nguồn vốn tín dụng chính sách cho các hội viên nông dân trên địa bàn huyện Gia Lâm vay đạt hơn 600 tỷ đồng; dư nợ tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là 21,594 tỷ đồng và Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp hơn 19 tỷ đồng.

Các nguồn vốn ưu đãi đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện và giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 3.000 lao động mỗi năm, giúp huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đạt các chỉ tiêu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. 

Theo Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gia Lâm Đặng Văn Lâm, nguồn vốn vay giải quyết việc làm vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Hiện tổng nguồn vốn cho vay của huyện đạt gần 600 tỷ đồng, trong đó hơn 413,2 tỷ đồng thuộc chương trình giải quyết việc làm, phục vụ 7.779 khách hàng. 

Hà Nội là địa phương có nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm cao với hơn 12.500 tỷ đồng dư nợ, gần 47.000 hộ vay. Song nguồn vốn này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu do thành phố có địa bàn rộng, đông dân và nhiều lao động thiếu việc làm, nhiều hộ cần vốn để phát triển nghề và chuyển đổi nghề do đất nông nghiệp bị thu hồi…

Hà Phương

Báo Lao động và Xã hội số 87