Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Làm giàu dưới tán rừng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng những năm gần đây được nhiều địa phương thực hiện hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập và làm giàu.

Phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng bên cạnh hiệu quả kinh tế còn giúp bảo vệ và phủ xanh rừng.

“Đổi đời” từ dược liệu quý

Trước đây, đồng bào Xơ Đăng ở xã vùng cao Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cư trú trong những ngôi nhà sàn vách nứa, lợp tranh, quần tụ thành nóc (làng) trên sườn núi, mõm đồi, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, hầu như nhà nào cũng trồng được vườn sâm dưới tán rừng. Sâm Ngọc Linh đã mang đến cho đồng bào cuộc sống sung túc với những ngôi nhà khang trang, vững chắc.

Làm giàu dưới tán rừng - 1
Người dân xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ (Lai Châu) trồng sâm Lai Châu.

Trà Linh được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho núi rừng ở đây loài cây đặc hữu mọc dưới tán rừng già trên sườn đông và tây núi Ngọc Linh, đồng bào gọi là cây “thuốc dấu”. Trước đây, sâm Ngọc Linh được người dân địa phương dùng để bồi dưỡng sức khỏe, giá chưa cao, nay loài cây này lên ngôi, trở thành “quốc bảo”. Sâm trong tự nhiên rất hiếm nên chủ yếu người dân lấy hạt để làm giống nhân rộng diện tích. Người dân tự chia sẻ hạt, cây giống cho nhau và nhờ sự hỗ trợ nguồn cây giống của chính quyền nên vườn sâm của từng gia đình ngày càng mở rộng. Cây sâm Ngọc Linh phải được trồng ở độ cao từ 1.200m trở lên và dưới tán rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì mới bảo đảm dược tính cũng như sự sinh trưởng và phát triển. Có hộ trồng đến hàng chục ha sâm. Cây sâm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Củ sâm có chất lượng tốt giá gần 150 triệu đồng/kg, lá, cùi hoa sâm dùng ngâm rượu, dầm thuốc cũng bán được giá cao, hạt sâm được bà con tuyển chọn làm giống hoặc bán cho chủ trại khác để gieo trồng, một cây giống có giá mấy trăm nghìn đồng. Vào dịp phiên chợ sâm, đồng bào mang củ, lá đến bán cho các nhà buôn thảo dược trong huyện.

Cây sâm Ngọc Linh đã cho bà con dân tộc Xơ Đăng cơ hội đổi đời. Một số gia đình trở thành “đại tỷ phú”, sắm sửa tiện nghi, đầu tư làm ăn và gửi ngân hàng. Con cháu được xuống tỉnh, về thành phố theo học các cấp phổ thông và học đại học. Nhiều gia đình còn mua nhà ở thành phố cho con sinh sống và học tập. 

Làm giàu dưới tán rừng - 2
Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

Làm giàu từ trồng nấm linh chi dưới tán rừng

Với mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo, ông Nguyễn Đình Nam (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã thu về lợi ích kép khi cây keo sinh trưởng tốt và có thêm nguồn thu nhập từ nấm linh chi.

Gia đình ông Nam có 5ha keo trồng được gần 5 năm. Qua tìm hiểu, ông được biết mô hình trồng nấm linh chi dưới rừng keo mang lại thu nhập cao. Vì thế, giữa năm 2023, ông Nam bắt tay vào trồng nấm theo quy trình. 

Ông Nam cho biết, trồng nấm linh chi không đòi hỏi kỹ thuật cao, không mất nhiều thời gian. Phôi nấm mua về trồng trong những hố đào trước đó theo quy trình kỹ thuật mà đơn vị cung cấp giống hướng dẫn. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch là 90 ngày. Khi thấy mặt trên của tai nấm chuyển từ màu vàng nhạt sang nâu đỏ cánh gián thì thu hoạch. “Mỗi phôi nấm có giá 40.000 đồng, cho thu 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 3 tháng. 2.000m2 thu được hơn 400kg nấm tươi, với giá bán 600.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu hơn 240 triệu đồng/năm”.

Làm giàu dưới tán rừng - 3
Ông Nguyễn Đình Nam (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) trồng nấm linh chi dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài tưới nước, nấm không cần bón phân, bởi nguồn dinh dưỡng có sẵn trong phôi cùng điều kiện khí hậu, đất đai giúp nấm sinh trưởng và phát triển tốt. Vào mùa nắng tưới phun sương ít nhất 2 lần/ngày và mỗi lần 5 - 10 phút để làm mát cây, tăng độ ẩm cho đất, tránh tình trạng héo mặt phôi, giảm chất lượng tai nấm. Vào mùa mưa, cần khơi rãnh tiêu thoát nước, tránh ngập úng gây hư hỏng phôi. “Nấm cần nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thích hợp để phát triển. Vào mùa khô, nấm linh chi sinh trưởng, phát triển mạnh hơn mùa mưa. Hiện gia đình thu hoạch nấm đến đâu, công ty cung cấp giống thu mua đến đó. Tôi đang có kế hoạch mở rộng mô hình”, ông Nam cho biết.

Được biết, cây keo trồng 5 - 7 năm mới cho thu hoạch. Từ năm thứ 3 trở đi, cây keo bước vào giai đoạn sinh trưởng, khép tán, không thể trồng xen cây ngắn ngày. Nhưng đây là điều kiện tốt để trồng nấm. Việc trồng nấm linh chi trong vườn keo làm gia tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất. Rừng keo càng lâu năm, lớp mùn càng dày thì trồng nấm càng tốt, chất lượng chẳng thua kém nấm mọc ngoài tự nhiên. Quá trình chăm sóc nấm làm tăng độ ẩm, hỗ trợ cây keo sinh trưởng phát triển nhanh hơn, tăng khối lượng. Giá bán keo tới tuổi khai thác khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha cộng thêm tiền bán nấm linh chi thì thu nhập sẽ tăng cao hơn.

Phát triển kinh tế dưới tán rừng

Với lợi thế diện tích rừng lớn, tỉnh Lai Châu đang thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đầu tư phát triển kinh tế dưới tán rừng, trong đó tập trung trồng cây dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái. Từ đó, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.

Lai Châu có tổng diện tích 472.676,04ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên 450.392,33ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 54%, tính đa dạng sinh học cao, trong đó, diện tích rừng giàu và rừng trung bình chiếm khoảng 13%, diện tích rừng có độ cao tuyệt đối từ 900 - 1.400m khoảng 29%, diện tích rừng có độ cao tuyệt đối từ 1.400m đến trên 3.100m khoảng 32%, phù hợp cho phát triển nhiều loài cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Tỉnh bảo tồn được nhiều loài dược liệu tự nhiên, phong phú, quý hiếm như: sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy, hà thủ ô... Đây chính là tiềm năng, lợi thế lớn để Lai Châu phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là sâm Lai Châu với giá trị kinh tế rất cao.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 20 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư trồng, phát triển cây sâm Lai Châu với diện tích 100ha. Ngoài ra, có hàng trăm hộ dân ở các địa phương cũng đã tham gia liên kết hoặc tự trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Làm giàu dưới tán rừng - 4

Anh Pờ Gạ Hừ, Trưởng bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè) cho biết, bản Sín Chải B có 52 hộ với trên 220 nhân khẩu, 100% là người dân tộc La Hủ. Hiện có 2 doanh nghiệp đến bản tổ chức liên kết trồng sâm dưới tán rừng. Trong bản có trên 40 hộ dân tham gia trồng sâm tại vườn nhà hoặc trồng trên nương thảo quả hay ở dưới tán rừng mà họ được Nhà nước giao quản lý, chăm sóc.

Trước đây, gia đình anh Vàng Hu Ga, xã Pa Vệ Sủ thuộc hộ nghèo đặc biệt khó khăn với 10 nhân khẩu nhưng cuộc sống chỉ trông chờ vào một vụ lúa và nông sản lấy từ rừng. Anh Vàng Hu Ga cho biết, trong lúc chưa biết làm gì để bớt đói nghèo anh được cán bộ nông nghiệp về tuyên truyền, vận động trồng sâm, nuôi ong dưới tán rừng. “Được hỗ trợ con, giống và hướng dẫn kỹ thuật nên việc phát triển kinh tế dưới tán rừng của gia đình tôi rất thuận lợi với thu nhập mỗi năm khoảng 50 triệu đồng. Đây là số tiền tôi chưa bao giờ có nếu làm nông nghiệp manh mún như trước”, anh Ga nói.

Không chỉ trồng cây dược liệu, Sâm, người dân còn tập trung phát triển nuôi ong dưới tán rừng. Toàn tỉnh hiện có 1.670 cơ sở nuôi ong với 19.546 đàn ong; trồng địa lan với khoảng 63.000 chậu; trồng sa nhân tím với diện tích 2.300ha; thảo quả khoảng 6.400ha… nhờ đó, người dân vừa có thêm nguồn thu vừa tích cực bảo vệ rừng.

Vân Khánh

Báo Lao động và Xã hội số 107