Hội nghị về giảm nghèo và phát triển nông thôn.
Cá biệt có những diện tích nuôi cá tra, trồng cây ăn trái cho thu nhập đến 500 triệu đồng/ha.Hiện mỗi năm Cần Thơ sản xuất trên 1,3 triệu tấn lúa, trong đó hơn 80% là lúa chất lượng cao. Sản lượng nuôi cá tra xuất khẩu tại thành phố cũng đạt từ 150.000 - 200.000 tấn/năm;đưa tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn hàng năm đạt hơn 12.573 tỉ đồng.
Cần Thơ đang triển khai thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn, với 228 cánh đồng, diện tích 48.727 ha, 36.884 hộ dân tham gia, góp phần mở rộng chuỗi giá trị lúa gạo, mang lại lợi nhuận cao và đóng góp không nhỏ vào chương trình giảm nghèo. Thành phố cũng mạnh dạn vận động nông dân - nhất là hộ nghèo, cận nghèo, chủ động chuyển đổi 1.120ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, mè, dưa hấu… Qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ nghèo có nhu cầu sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi. Thành phố còn hỗ trợ các hộ khó khăn về giống cây, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong canh tác... Nhờ vậy, các mô hình như: Trồng chuối, trồng dưa, mè, rau sạch, nuôi cá... đều cho thu nhập cao hơn vài ba chục triệu đồng ha so với việc trồng lúa trước đây. Riêng mô hình trồng dưa hấu giúp nhiều nông dân đạt lợi nhuận khoảng 58 triệu đồng/ha/vụ.
Với phương châm, nâng cao thu nhập từ nông nghiệp nhưng không để người nghèo lại phía sau, cùng với các mô hình đã phát huy hiệu quả như nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn (200ha), trồng lúa và rau màu, cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, năm 2017, Cần Thơ đang triển khai và nhân rộng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái. Đã có khoảng 30 mô hình loại này đang hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế cao và đẩy mạnh phát triển du lịch.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ được đánh giá là địa phương đi đầu trong hoạt động giảm nghèo nhanh và bền vững. Từ tỷ lệ hộ nghèo trên 5% vào năm 2015, hiện Cần Thơ chỉ còn trên 2,5%.
Du lịch kết hợp vườn cây ăn trái.
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XHTP. Cần Thơ cho biết: Giai đoạn 2015 - 2017, các quận, huyện, đoàn thể toàn thành phố đã xây dựng 172 dự án, mô hình giảm nghèo, thu hút 2.397 hộ nghèo, cận nghèo tham gia với tổng kinh phí thực hiện hơn 25,3 tỷ đồng; qua đó tạo việc làm cho 3.311 lao động. Các mô hình khá đa dạng, hiệu quả, giúp bà con thoát nghèo bền vững.Tại Cần Thơ đã hình thành nhiều phong trào đầy sáng tạo giúp hoạt động giảm nghèo đạt hiệu quả cao, đó là: “Phát huy nguồn lực, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; Hội Cựu chiến binh có phong trào “Cần, kiệm thoát nghèo, nâng cao mức sống”; huy động nguồn lực, hỗ trợ hộ nghèo về giống, vốn, ngày công; thành lập quỹ đồng đội giúp nhau không lãi suất…
Điều quan trọng là không để người nghèo, cận nghèo đứng ngoài các mô hình sản xuất nông nghiệp thu nhập cao, Cần Thơ chủ trương thành lập các hợp tác xã để người dân hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hợp tác xã Khiết Tâm (ở ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh) có 40 xã viên, diện tích canh tác hơn 340ha. Hợp tác xã đã áp dụng nhuần nhuyễn nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP và các đơn hàng chất lượng cao của doanh nghiệp. Hợp tác xã Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh) hiện có 44 xã viên, trong đó 12 xã viên nuôi cá tra, còn lại 33 xã viên tham gia sản xuất lúa và rau màu. 3 năm qua, doanh thu của hợp tác xã luôn vượt mức trên 115 tỉ đồng/năm, thu nhập mỗi xã viên nuôi cá đạt trên 318 triệu đồng/năm.
Nuôi cá.
Cần Thơ đang huy động tối đa nguồn lực tại chỗ của các sở, ngành, đoàn, hội chung tay giúp đỡ hộ nghèo có vốn, có điều kiện tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, phát triển mô hình kinh tế thích hợp để tự tin thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn từ 2017 - 2020, thành phố sẽ đẩy mạnh việc liên kết, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và nông nghiệp công nghệ cao để giảm nhanh hộ nghèo, tránh tình trạng tái nghèo.