Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Mỗi năm, Việt Nam giảm bình quân 1 - 1,5% hộ nghèo

Đến năm 2030, Việt Nam có thể hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ là không còn đói nghèo.

Đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho biết, Việt Nam được cho là điểm sáng được quốc tế đánh giá cao trong công tác giảm nghèo. Hiện tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 %, trong đó các hộ nghèo giảm 4%, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước xuống còn 3,7 - 4,23%.

Mỗi năm, Việt Nam giảm bình quân 1 - 1,5% hộ nghèo - Ảnh 1.

Các mô hình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sinh kế đã giúp người dân thoát nghèo.

Mặc dù vậy, công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao, sự lạm dụng và chính sách vẫn còn tồn tại, chủ yếu đánh giá nghèo về thu nhập và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể các tiêu chí thiếu hụt.

Đại biểu Hạnh dẫn chứng, qua thực tế khảo sát mới nhất với hơn 8.000 hộ nghèo ở Bình Phước cho thấy, nhu cầu rất đa dạng, một số đề nghị được vay vốn sản xuất; nhu cầu về nhà ở, cây con giống, nhu cầu học nghề, tạo việc làm để thoát nghèo; nhu cầu được cấp xe máy, công cụ, dụng cụ để thoát nghèo phát triển sinh kế. 

Đối với hộ nghèo là những đối tượng yếu thế không có khả năng lao động, bệnh tật lại có nhu cầu được Nhà nước trợ cấp hàng tháng để sinh sống. Vì vậy, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề xuất cần tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2020.

"Tôi đề nghị tích hợp chính sách, hiệu quả cho việc thực hiện công tác giảm nghèo trong năm 2020, đặc biệt tích hợp về nội dung thực hiện và nguồn lực, tạo cơ chế để các địa phương có thể tích hợp điều tiết kinh phí thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu thực hiện. Đối với các nhóm đối tượng thì cần có các chính sách tương ứng. Việt Nam phải đặt ra mục tiêu phấn đấu không còn đói nghèo trong 10 năm tới. Mỗi năm, chúng ta giảm bình quân 1 - 1,5 %; đến năm 2030, chúng ta có thể hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ là không còn đói nghèo", đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho biết.

Vị Đại biểu đoàn Bình Phước cũng đề nghị nên thay đổi tên gọi của chính sách giảm nghèo, sử dụng một chính sách thay thế bằng chính sách an sinh và phúc lợi xã hội. Trước mắt, Chính phủ có thể cho chủ trương cơ chế thực hiện thí điểm một số tỉnh, thực hiện chính sách thay thế này, sau đó đánh giá hiệu quả rút kinh nghiệm. Về lâu dài có thể áp dụng thành chính sách ổn định cho cả nước.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, cùng với việc tăng lương cơ sở, cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ cần phải quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho người cho đối tượng thu nhập thấp. 

Ngày 1/4/2019, điều tra về dân số và nhà ở, hiện cả nước còn 4.800 hộ chưa có nhà ở. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ cần quan tâm xử lý vấn đề này. Đồng thời, nghị Chính phủ nên có tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 93 của Quốc hội về bảo hiểm xã hội 1 lần. "Tôi đồng tình với quan điểm là đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho đối tượng hộ cận nghèo và hộ nghèo để mở rộng đối tượng khác tham gia bảo hiểm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội", đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho biết.