Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Năm 2023, Tiền Giang phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo

(Dân sinh) - Đây là chỉ tiêu được đề ra trong Kế hoạch 80 ngày 8-3-2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Theo đó, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 -2025 sẽ giảm còn 1,07% so với số hộ toàn tỉnh.

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phải được các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phù hợp từng địa bàn quản lý.

Kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Phân loại đối tượng, nguyên nhân nghèo để có các chính sách hỗ trợ phù hợp mang tính đặc thù, nhất là đối với nhóm hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội.

Đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống cho hộ thuộc diện bảo trợ xã hội; các chính sách, giải pháp giảm nghèo phải được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Tập trung thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Đề án Hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo...

Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững được triển khai.

Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững được triển khai.

Đối với những hộ thiếu vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt sẽ được tư vấn về chính sách vay vốn hộ nghèo để sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Hỗ trợ nguồn vốn từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đối với những hộ có nhu cầu về việc làm thì sẽ tư vấn giới thiệu việc làm và đặc biệt quan tâm đến việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...

Đối với những hộ có người cao tuổi, neo đơn, không còn sức lao động sẽ vận động các nhà hảo tâm (doanh nghiệp, tập thể, cá nhân) cùng đóng góp, hoặc nhận nuôi dưỡng trực tiếp, hỗ trợ hằng tháng để họ có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tổ chức tốt việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn, đẩy mạnh các hình thức huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đề ra.

Theo ông Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong năm 2022, tỉnh Tiền Giang đã có thêm trên 1.000 hộ được công nhận thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,27% so tổng số hộ toàn tỉnh.

Trong năm 2023, tỉnh cũng sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề kết nối đào tạo nghề cho người lao động, ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp. Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH cùng các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong người lao động.