Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Thanh Hóa: 'Bà đỡ' của người nghèo

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt của HĐQT; sự nỗ lực, vượt khó của đội ngũ cán bộ viên chức người lao động; nhờ bám sát cơ sở, đồng hành cùng bà con nông dân, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2017, tổng nguồn vốn tín dụng đạt 8.323,4 tỷ đồng, tăng 440,9 tỷ đồng so với năm 2016. Kết quả trên đã góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, trên địa bàn…

Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra. Song được sự quan tâm, hỗ trợ chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc; sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể nhận ủy thác, hoạt động của NHCSXH Thanh Hóa tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện đáng ghi nhận .

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều gia đình đã đầu tư nuôi bò và thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tính đến 31/12/2017, tổng nguồn vốn tín dụng đạt 8.323,4 tỷ đồng, tăng 440,9 tỷ đồng (+5,6%) so với năm 2016. Nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 6.330,3 tỷ đồng, chiếm 76,1% giảm 356,5 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn huy động tại địa phương được cấp bù lãi suất đạt 1.820,5 tỷ đồng chiếm 21,8% tăng 772,4 tỷ đồng, hoàn thành 400,2% kế hoạch tăng trưởng năm. Nguồn vốn nhận ủy thác từ NSĐP 172,6 tỷ đồng chiếm 2,1%, tăng 25 tỷ đồng (+16,9%) so với đầu năm.

Năm 2017 doanh số cho vay đạt 2.652,7 tỷ đồng, giảm 159,3 tỷ đồng (-5,66%) so với năm 2016, với gần 87,8 ngàn lượt hộ được vay vốn, tập trung ở một số chương trình tín dụng như: cho vay hộ nghèo 695,2 tỷ đồng; hộ cận nghèo 732,9 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 407,6 tỷ đồng; Nước sạch là 295,8 tỷ đồng; hộ SXKD tại vùng khó khăn 291,8 tỷ đồng; HSSV 36,2 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ, duy trì và tạo việc làm 76,3 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo về nhà ở theo QĐ 33 là 93,3 tỷ đồng, cho vay nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo QĐ48 là 3,5 tỷ đồng.

Doanh số thu nợ đạt 2.197,7 tỷ đồng, giảm 112,7 tỷ đồng (-4,87%) so với năm 2016, trong đó một số chương trình có doanh số thu nợ lớn như: cho vay hộ nghèo 755,9 tỷ đồng; cận nghèo 531,3 tỷ đồng; HSSV 251,8 tỷ đồng; hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn 270,1 tỷ đồng; Nước sạch 210,9 tỷ  đồng; cho vay hỗ trợ, duy trì và tạo việc làm 43,9 tỷ đồng.

Tổng dư nợ (tính đến 31/12/2017) đạt 8.222,8 tỷ đồng, tăng 451,9 tỷ đồng so với năm 2016, tốc độ tăng trưởng (+5,8%), hoàn thành 99,9% chỉ tiêu kế hoạch, có hơn 276 ngàn hộ đang vay vốn. Trong đó, dư nợ một số chương trình tín dụng tăng như: cho vay hộ cận nghèo 2.003,8 tỷ đồng (tăng 201,4 tỷ đồng); cho vay hộ mới thoát nghèo 841,4 tỷ đồng (tăng 346,7 tỷ đồng); Nước sạch 1.046,2 tỷ đồng (tăng 84,8 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, dư nợ một số chương trình giảm như: cho vay hộ nghèo 2.459,6 tỷ đồng (giảm 62,5 tỷ đồng so với đầu năm), cho vay hộ nghèo làm nhà ở theo QĐ 167 là 156,9 tỷ đồng (giảm 49 tỷ đồng); cho vay HSSV 456,7 tỷ đồng (giảm 215,9 tỷ đồng, đã thực hiện điều chỉnh sang cho vay các chương trình khác 116,4 tỷ đồng).

Được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH nhiều hộ gia đình ở huyện Thọ Xuân đã tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Chất lượng tín dụng không ngừng được nâng lên, NHCSXH đã cùng các tổ chức CT-XH thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Cụ thể, tính đến 31/12/2017, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 21,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,25%, giảm tuyệt đối 2,7 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ quá hạn 15,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,18%, giảm 0,9 tỷ đồng so với đầu năm; nợ khoanh 6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,07%, giảm 1,8 tỷ đồng so với đầu năm. Hiện nay, có 08 đơn vị nợ quá hạn tăng, có 11 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn tỷ lệ nợ quá hạn của toàn tỉnh.

Với sự phối hợp chặt chẽ của tổ chức CT-XH nhận ủy thác các cấp cùng, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ viên chức trong toàn Chi nhánh, hoạt động của NHCSXH trong năm 2017 tiếp tục đạt hiệu quả cao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hoạt động tín dụng chính sách trong năm qua đã góp phần giúp 46,7 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo được vay vốn NHCSXH, thu hút, tạo việc làm cho 2,7  ngàn lao động; giúp hơn 4,2 ngàn lượt HSSV có chi phí học tập; đã xây dựng trên 48,6 ngàn công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng 3,7 ngàn ngôi nhà cho hộ nghèo.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, tạo việc làm, góp phần xây dựng Nông thôn mới.

Trao đổi với PV, ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Thanh Hóa nhấn mạnh: “Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của NHCSXH TW, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, BĐD HĐQT NHCSXH các cấp, cấp uỷ, chính quyền các địa phương. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2018, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của HĐQT, NHCSXH TW, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT tỉnh, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo thực hiện củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng; thường xuyên phối hợp với Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện trong công tác quản lý tín dụng chính sách; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ trưởng Tổ TK&VV; kịp thời triển khai cho vay các chương trình, kiểm soát chặt chẽ qui trình nghiệp vụ tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ giao dịch lưu động tại các Điểm giao dịch xã, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội trên địa bàn”.

Có thể nói, nhiều năm qua NHCSXH Thanh Hoá là “bà đỡ” của người nghèo xứ Thanh. Đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều vùng quê, nhiều gia đình bớt đi cảnh nghèo khó, cải thiện cuộc sống; Đồng thời, góp phần đẩy nhanh phong trào xây dựng nông thôn mới tại các vùng quê xứ Thanh.