Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Người nghiện ma túy luôn được ưu tiên điều trị cai nghiện tại cộng đồng

Thành Công
Thành Công

(Dân sinh) - Vấn đề mua bán người, Việt Nam luôn quan tâm và đã có hành lang pháp lý cùng nhiều hành động cụ thể để ngăn chặn; Người nghiện ma túy luôn được ưu tiên điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng phù hợp với khuyến nghị quốc tế.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh như vậy tại buổi tiếp và làm việc với ông Benedikt Hofmann, Phó Trưởng đại diện của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương mới đây.

1.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi và Phó Trưởng Đại diện của UNODC Khu vực Đông Nam Á và TBD Benedikt Hofmann (Ảnh: Tống Giáp).

Quan tâm công tác phòng, chống, điều trị và quản lý sau cai nghiện

Tại buổi tiếp, Phó Trưởng đại diện Benedikt Hofmann cho biết, UNODC đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ nhau của hai bên trong thời gian qua, đặc biệt là vai trò của Bộ LĐ-TB&XH trong công tác ứng phó với nạn buôn bán người và các vấn đề sức khỏe và xã hội liên quan đến buôn bán người, sử dụng ma túy, nhất là đối với nhóm dễ bị tổn thương như thanh thiếu niên và người sử dụng ma túy tổng hợp.

Ghi nhận công tác phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật của UNODC tại Việt Nam trong triển khai các hoạt động hỗ trợ người sử dụng ma túy tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị cai nghiện có chất lượng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, Việt Nam luôn quan tâm đến công tác phòng, chống ma túy, điều trị cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, đặc biệt là với đối tượng người trẻ tuổi.

Thứ trưởng thông tin, đối với quy trình điều trị cai nghiện, tại Việt Nam, sau khi phát hiện, người nghiện sẽ tham gia vào quy trình điều trị cai nghiện toàn diện với 4 bước: phát hiện, sàng lọc; đánh giá tình trạng; hỗ trợ cắt cơn; hỗ trợ hòa nhập tại cộng đồng.

Trên thực tế, tình trạng tái nghiện vẫn còn tồn tại, trong đó, trẻ em là đối tượng phải chịu nguy cơ bị ảnh hưởng trong các gia đình có người nghiện ma túy. 

"Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển mạng lưới trạm y tế cấp xã và thực hiện điều trị dự phòng, hướng tới cộng đồng và sẽ có những chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp để thúc đẩy thực hiện tại cộng đồng", ông Hồi nói.

Khẳng định, Việt Nam luôn xác định người nghiện ma túy luôn được ưu tiên điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, phù hợp với khuyến nghị quốc tế, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, sự tham gia của gia đình, cộng đồng trong tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện có vai trò quan trọng, đem lại hiệu quả đối với công tác phòng, chống ma túy cũng như điều trị cai và quản lý sau cai nghiện.

cai-nghien-ma-tuy-tai-cong-dong.jpg
Nhiều địa phương đã đầu tư cai nghiện tại cộng đồng. (Ảnh minh họa: ITN)

Hành lang pháp lý đầy đủ cùng nhiều hành động cụ thể ngăn chặn mua bán người

Liên quan đến vấn đề mua bán người, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, Việt Nam luôn quan tâm và đã có hành lang pháp lý cùng nhiều hành động cụ thể để ngăn chặn.

Đáp từ, Phó Trưởng đại diện ông Benedikt Hofmann thông tin: UNODC có kế hoạch mở rộng các hợp phần chương trình y tế và ma túy tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với các vấn đề sức khỏe và tâm lý xã hội ở những nhóm dân cư dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi sử dụng ma túy và rối loạn sử dụng ma túy, những người sử dụng chất kích thích tổng hợp.

Phó Trưởng đại diện ông Benedikt Hofmann bày tỏ mong muốn và cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan khác trong việc thực hiện và triển khai hoạt động phòng ngừa và điều trị ma túy dựa trên bằng chứng.

Đồng thời, thúc đẩy trao đổi và hợp tác trong các khu vực ASEAN và Đồng bằng sông Cửu Long; ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong phòng, chống ma túy, điều trị cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống mua bán người.

Song song, Phó trưởng đại diện cam kết hỗ trợ và phối hợp với Việt Nam trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ thực thi công tác, nhân viên công tác xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi mong muốn: UNODC có thể chuyển giao thêm các tài liệu về dự phòng, điều trị, cai nghiện có hiệu quả. Đặc biệt là các tài liệu liên quan đến thuốc điều trị, ứng dụng chuyển đổi số để thay đổi hành vi, nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy và phòng, chống mua bán người.
Dẫn chứng tới mô hình lao động trị liệu của Canada, ông  Hồi cho rằng UNODC có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tài liệu chi tiết trong việc kết hợp y tế với giáo dục và chia sẻ kinh nghiệm triển khai để Việt Nam có thể áp dụng mô hình lao động trị liệu có hiệu quả trong tương lai, hướng tới đưa người nghiện, nạn nhân bị mua bán người dễ dàng hòa nhập với xã hội.