Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Người thủ đô làm giàu từ cây phật thủ

Hơn chục năm qua, xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có sự đổi thay rõ rệt, nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát và ngày càng xuất hiện nhiều tỷ phú nhờ trồng cây phật thủ.

Cây miền núi làm giàu cho người thủ đô

Trở lại Đắc Sở những ngày cuối tháng 11, không khí sản xuất đang ngày càng tấp nập. Trên các cánh đồng bạt ngàn phật thủ, nhiều hộ dân thường xuyên túc trực tại vườn để chuẩn bị cho vụ thu hoạch chính vào cuối năm.

Anh Tạ Văn Phúc - chủ tịch Hội Sản xuất kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở cho biết, cây phật thủ mới chỉ du nhập vào địa phương khoảng 15 năm nay.  Trước đây dân Đắc Sở có truyền thống đi buôn hoa quả, thấy quả phật thủ đẹp, một số người dân địa phương đã mang cây này từ trên vùng cao Tuyên Quang, Yên Bái về xã trồng thử. Và kết quả thật bất ngờ, cây này rất phù hợp với chất đất của địa phương, lại cho ra giống quả làm cảnh rất đẹp và lạ nên đã nhanh chóng được bà con trong xã nhân rộng.

Cây phật thủ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân xã Đắc Sở

“Nó vốn là một loại cây mang yếu tố tâm linh, được bà con trồng để làm đồ lễ, nhưng hiện tại là “cây làm giàu” cho cả xã Đắc Sở và các vùng lân cận xung quanh”. Nhờ giống cây này mà nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có tiền mua đất, sắm sửa nhiều thứ trong nhà, mỗi năm trong xã có từ 50 đến 90 hộ xây dựng nhà cao tầng, anh Phúc cho biết.

 Trong căn nhà 2 tầng khang trang vừa mới cất chị Nguyễn Thị Hoài phấn khởi cho biết, gia đình chị năm 2014 -2015 vẫn còn được xếp vào diện hộ nghèo. Nhưng đến nay mới chỉ 5 năm gắn bó với cây phật thủ mà gia đình chị đã thoát nghèo và từng bước trở lên khá giả. Từ ngày chuyển sang trồng Phật Thủ, so với trồng ngô, khoai trước đây, hiện thu nhập của gia đình đã đạt 400 - 600 triệu đồng/năm.

 Bình quân 1 mẫu đất trồng Phật Thủ, đến kỳ thu hoạch sẽ thu về 3.000 - 4.000 quả. Nếu bán tại vườn cho thương lái, sẽ thu được khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên, đặc thù của cây phật thủ là cho quả quanh năm, vì thế từ tháng 1-4 âm lịch năm rồi đã được khoảng 100 triệu, từ tháng 4/7 thu thêm 100  triệu đồng. Và từ tháng 7/11 âm lịch thì để lứa quả này bán tết. Cuối tháng 12 đã ký bán cả vườn quả thu thêm được 600 triệu đồng nữa. “Như vậy, thu nhập cả năm của vườn phật thủ này gần 800 triệu đồng”, chị Hoài chia sẻ.

Ở Đắc Sở những câu chuyện thoát nghèo như chị Hoài không phải là hiếm mà còn đó rất nhiều gia đình khác như: Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyên, Nguyễn Thị Hồng, ông Cao Văn Hải… cũng là những tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo tư mô hình trồng cây phật thủ, bà Nguyễn Thị Thìn – Trưởng Thôn Diềm Xá (xã Đắc Sở) chia sẻ.

Cả xã mướn đất trồng phật thủ

Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sở cho biết: Từ năm 2011, Hội nông dân xã làm điểm xây dựng mô hình trồng phật thủ với diện tích 10ha. Thấy hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt nên ngày càng nhiều hộ dân tham gia trồng phật thủ. Đến nay, xã có khoảng 450 hộ gia đình đang trồng cây phật, với tổng diện tích đã đạt 250h, bình quân mỗi hộ khoảng 1-2 mẫu, trong đó hộ trồng nhiều nhất từ 7-8 mẫu.

 “Bình quân 1ha, người dân Đắc Sở trồng khoảng 300 cây, thu từ 8.000 - 10.000 quả, giá trị kinh tế đạt 800- trên 1 tỷ  đồng/ha/năm.  Mang lại giá trị kinh tế của cây phật thủ cao hơn nhiều so với các loại cây màu khác” - ông Đính bày tỏ.

Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát ở xã Đắc Sở

Vì thế, số người trồng và diện tích cũng tăng nhanh chóng. Ngoài canh tác tại địa phương, người dân trong xã còn thuê hơn 100 ha đất vùng bãi của xã Yên Sở, thậm chí thuê thêm hàng vài chục ha đất ở các xã khác như Tiền Yên (Hoài Đức), Sài Sơn (Quốc Oai) và ở huyện Đan Phượng, huyện Phúc Thọ để trồng loại cây này. Đến nay đã có đến 80% hộ dân trong xã có thu nhập chính bằng cây phật thủ.

Tuy là loại cây mang giá trị kinh tế cao, song phật thủ cũng rất kén chọn đất. Lựa đất phải là loại đất pha cát, nếu là đất màu thì phải pha thêm cát, cây mới sống được. Không chỉ hợp chất đất, để có được những vườn phật thủ cho quả đẹp, nhiều "ngón", việc chăm sóc cũng yêu cầu người nông dân phải rất tỉ mỉ. Đất trồng phật thủ chỉ được khoảng 5 năm. Vì thế, cứ hết mỗi chu kỳ theo vòng đời của cây, người dân xã Đắc Sở lại phải đi tìm thuê đất ở các xã xung quanh để tiếp tục trồng, anh Nguyễn Văng Đáng – người trồng phật thủ lâu năm cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, trong thời gian qua xã Đắc Sở đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến tạo điều kiện cho nông dân mở rộng diện tích cây phật thủ. Trong đó, Hội nông dân xã Đắc Sở đã triển khai dự án trồng và chăm sóc cây phật thủ của Hội nông dân thành phố bằng việc hỗ trợ cây giống, tập huấn khoa học kỹ thuật, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật; Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho hàng chục hộ dân vay vốn trồng phật thủ; xã Đắc Sở xây dựng đường giao thông ra vùng bãi...

Năm 2014 Hội Sản xuất kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở được thành lập với số hộ ban đầu là 48 thành viên,  nhằm tạo liên kết giữa các hộ trồng cây phật thủ trong xã, phát triển giá trị của cây phật thủ trên thị trường, tạo quy trình làm ra sản phẩm chuyên nghiệp khẳng định thương hiệu, là “bàn đạp” cho sự phát triển vững chắc của nghề trồng phật thủ.