Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar đang triển khai 15 chương trình tín dụng ưu đãi cho hơn 11.200 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 353 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ được vay gần 32 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2020. Trong đó, một số chương trình cho vay đạt tỷ lệ cao, tập trung chủ yếu vào đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo và hộ sản xuất, kinh doanh. Với mạng lưới 299 tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện, ngân hàng đã kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách nhanh chóng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 4,97%.
Theo ông Võ Ngọc Hãn, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tương đối lớn. Để kịp thời hỗ trợ người dân, đơn vị đã chỉ đạo sát sao việc phân bổ vốn, đôn đốc thu nợ; thông qua các tổ chức ủy thác vay vốn của các hội, đoàn thể để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Ở địa phương, khách hàng vay vốn chủ yếu cho mục đích cải tạo vườn cà phê, tiêu, trồng mới một số loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thực tế cho thấy, chỉ sau từ 2 - 3 năm được hỗ trợ vay vốn làm ăn, nhiều hộ đã thoát nghèo, tạo đà vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Như gia đình chị Lữ Thị Kim Xuyến, ở xã Ea Mróh, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, có đàn dê 35 con sinh trưởng tốt, đem lại thu nhập ổn định, gia đình chị được xã cấp cho 1 con bò cái sinh sản theo mô hình giảm nghèo. Chăn nuôi bò cái sinh sản cho hộ nghèo. Sau thời gian chăm sóc kỹ lưỡng, bò tơ vẫn kém phát triển do không phù hợp với điều kiện chăn nuôi của gia đình. Chị đã đề nghị bán con giống được hỗ trợ để mua 2 con dê cái sinh sản, 2 con dê non bổ sung vào đàn dê hiện có. Với kinh nghiệm 7 năm nuôi dê, chị đã nhân rộng hiệu quả mô hình chăn nuôi. Năm 2020, gia đình chị Lữ Thị Kim Xuyến thoát nghèo.
Trong khi đó, thông qua tổ vay vốn của Hội Nông dân xã, các hộ nghèo như hộ gia đình anh Trịnh Thành Trí, buôn HDung, xã Ea Mróh huyện Cư Mgar, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Với nguồn vốn vay 50 triệu đồng, anh Trịnh Thành Trí đầu tư chuyển đổi diện tích cà phê, tiêu cằn cỗi, kém năng suất qua trồng xen canh các loại cây ăn trái có giá trị như sầu riêng, bơ Cuba, mít Thái, mãng cầu… Năm qua, vườn cây đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng, đời sống của gia đình anh Trịnh Thành Trí nhờ đó đã khấm khá hơn trước.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, thời gian tới Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar tiếp tục tập trung củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng đối với các xã, thị trấn để không còn nợ xấu, nợ quá hạn. Đồng thời, phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác tại các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay của các đối tượng thụ hưởng; tập trung rà soát đối tượng vay nhằm hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng vay vốn để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, góp phần vào công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.