Mục tiêu của các quỹ này nhằm phát triển văn hóa đọc, sáng tạo, mang điều tốt đẹp đến với những mảnh đời còn khó khăn...
Nở rộ hình thức hỗ trợ, phát triển văn chương
Về sáng tạo văn học thì phải nhắc đến Quỹ nhà văn Lê Lựu. Quỹ nhà văn Lê Lựu được thành lập năm 2013, đến nay đã tổ chức thành công 4 cuộc thi sáng tác văn học. Khi còn sống, nhà văn Lê Lựu từng chia sẻ, ý tưởng thành lập quỹ đã có trong đầu ông từ rất lâu nhưng do nhiều lý do mà Quỹ bấy giờ mới được thực hiện.
Quỹ Nhà văn Lê Lựu là quỹ xã hội hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn học, xã hội, văn hóa doanh nhân, góp phần phát triển xã hội.
Quỹ được hình thành từ nguồn vốn ban đầu 1 tỷ đồng của nhà văn Lê Lựu, sau đó vận động tài trợ từ các mạnh thường quân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động trao giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức có tác phẩm văn học xuất sắc về đề tài về nông nghiệp, nông thôn, doanh nhân và văn hóa doanh nhân và một phần dành cho các tài năng trẻ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nhằm động viên khích lệ thế hệ kế tiếp.
Mới đây, Ban chấp hành Chi hội II Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức cuộc thi thơ và truyện ngắn thu hút rất nhiều cây bút tên tuổi tham gia. Cũng với hình thức cuộc thi, dịch giả Linh Chi, người sáng lập tập san Đường Văn đã chi tiền tổ chức cuộc thi truyện ngắn.
Hay nhà văn Võ Thị Xuân Hà cũng tìm kiếm nguồn, huy động một số cá nhân tổ chức cuộc thi truyện ngắn, đồng thời phát triển kênh youtube do chị quản lý, đọc và lan tỏa những tác phẩm văn chương mới sáng tác, trong đó có sự góp mặt của nhiều nhà văn trẻ.
Dịch giả Linh Chi chia sẻ: “Việc phát động cuộc thi nhằm phát triển phong trào sáng tác văn học, tìm kiếm và khích lệ những tài năng văn chương nước nhà là việc làm nhân văn. Mong rằng sẽ có thêm nhiều sân chơi cho các cây bút”.
Phát triển giáo dục
Cách đây ít năm, Quỹ học bổng mang tên nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết (quê Ninh Bình) được thành lập. Bùi Nguyên Khiết sau khi tốt nghiệp sư phạm ở Hòa Bình đã tự nguyện lên biên giới Lào Cai dạy học.
Với khả năng viết văn, làm báo ông đã xin chuyển sang báo Hoàng Liên Sơn, trở thành một nhà báo, một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Ông anh dũng hy sinh 17/2/1979 trên biên giới xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Ngoài số tiền 75 triệu đồng do Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên và Đài phát thanh truyền hình tỉnh Hưng Yên trao tặng, gia đình nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết ủng hộ 10 triệu đồng và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long - đơn vị quản lý, bảo vệ địa bàn biên giới xã Tả Ngài Chồ cũng đóng góp thêm kinh phí vào Quỹ học bổng Bùi Nguyên Khiết, giúp các trường học của xã biên giới Tả Ngài Chồ hỗ trợ học sinh nghèo tới trường.
Quỹ học bổng Vì trẻ em Sơn Mỹ do nhà thơ Thanh Thảo (quê Quảng Ngãi) thành lập đến nay đã 25 năm. Mới đây, quỹ chuyển thành Quỹ học bổng “Thầy tôi” để tỏ lòng biết ơn các thầy, cô trường THPT Sơn Mỹ. Theo nhà thơ Thanh Thảo, ai đã đi học đều có những người thầy, cô kính yêu.
Để có nguồn cho Quỹ, nhà thơ Thanh Thảo tích góp tiết kiệm từ tiền nhuận bút các bài báo của mình hàng năm. Với nhà thơ Thanh Thảo, việc duy trì liên tục Quỹ là niềm hạnh phúc với mong muốn đồng hành cùng các em học sinh và bà con Sơn Mỹ.
Quỹ Học bổng Thâm Tâm được sáng lập và thực hiện bởi gia đình liệt sĩ, cố nhà văn, nhà thơ, nhà báo Thâm Tâm cũng đã góp phần động viên, khích lệ học sinh về tinh thần, tạo cơ hội để các em vượt khó, vươn lên trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, công dân có ích cho xã hội.
Lan tỏa và kết nối
Dẫu còn khó khăn nhưng các ban quản lý quỹ, các cá nhân đứng ra lập quỹ luôn hăng hái vì mục tiêu đồng hành, hỗ trợ sự phát triển của nền văn chương, giáo dục. Đầu năm nay, Quỹ Nhà văn Lê Lựu đã trao giải cuộc thi sáng tác văn học lần thứ 4 và phát động cuộc thi lần thứ 5.
Phát biểu tại lễ trao giải, Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Chủ tịch Hội đồng Quỹ nhà văn Lê Lựu chia sẻ: “Nhà văn Lê Lựu hết sức tâm huyết với đề tài nông nghiệp nông thôn, chiến tranh người lính, doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam. Lê Lựu đã mất nhưng những công việc của ông vẫn còn dang dở, để lại nhiều kỳ vọng và mong muốn về Quỹ. Cho nên những người tiếp tục thực hiện công việc của ông (phi lợi nhuận) đã cố gắng hết mình để tìm ra được những tác phẩm xứng đáng và phù hợp với tiêu chí của cuộc thi. Điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng của tác phẩm và tình cảm của người viết đối với nhà văn Lê Lựu”.
Quỹ Nhà văn Tô Hoài đã thành lập được tròn 11 năm, với hàng chục chuyến thiện nguyện, tặng quà. Kinh phí để làm từ thiện được lấy từ toàn bộ tiền bản quyền sách của nhà văn Tô Hoài và một phần đóng góp của các nhà hảo tâm, tình nguyện viên.
Nhà báo Nguyễn Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài cho biết: “Trước khi ra đi vào cõi vĩnh hằng, mong muốn lớn nhất của nhà văn Tô Hoài là được đến lại những nơi ông từng sống và làm việc, đặc biệt nơi ông có nhiều kỷ niệm với bà con dân tộc thiểu số. Nhưng vì tuổi đã cao nên bố tôi không thực hiện được. Ông đã để lại một di nguyện cho con, hãy đến với bà con bằng tinh thần và chút ít vật chất nhỏ bé để tri ân, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với những hoàn cảnh số phận của đồng bào vùng cao”.
Cũng theo nhà báo Nguyễn Phương Vũ, Quỹ nhắm đến những nơi vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn hoặc nơi vừa trải qua thiên tai. Bằng tấm lòng và chút hiện vật nhỏ bé, cùng với các đơn vị, nhà hảo tâm, Quỹ mong có một phần đóng góp thiết thực cho mỗi nơi mà đoàn tìm đến.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình thiện nguyện, lan tỏa, xây dựng các tủ sách, đến với những vùng đồng bào nghèo, nơi vùng núi cao để tặng quà, chia sẻ những tấm lòng”, nhà báo Nguyễn Phương Vũ nhấn mạnh.
Hồi giữa tháng 7, Quỹ Nhà văn Tô Hoài tổ chức Chương trình “Thắp sáng ước mơ - niềm tin” trao tặng các phần quà ý nghĩa, tri ân thương, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 tại Đồn Biên phòng Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).
Trước những tình cảm của đoàn thiện nguyện dành tặng người dân xã Na Mèo, ông Phạm Văn Thuật, Phó Chủ tịch UBND xã Na Mèo bày tỏ: “Chúng tôi rất trân trọng tình cảm của đoàn thiện nguyện dành cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn xã. Những món quà này có ý nghĩa lớn nhằm chia sẻ khó khăn với địa phương và các gia đình”.
Các quỹ khuyến học, khuyến văn của các nhà văn, nhà báo thật sự ý nghĩa. Tất cả đều thấm đẫm tinh thần nhân văn, tương thân tương ái, vì cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngô Thục Miên
Báo Lao động và Xã hội số 108