Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Nhiệt độ toàn cầu tăng, người nghèo chật vật vì nắng nóng cực đoan

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Khi nhiệt độ toàn cầu gia tăng trong những năm qua, thời tiết nắng nóng cực đoan đang gây ra "cái chết thầm lặng" với những người nghèo.

Theo bà Friederike Otto, nhà đồng sáng lập tổ chức khí tượng World Weather    Attribution, nhiệt độ khắc nghiệt tựa như “kẻ giết người âm thầm” và đang ảnh hưởng tới những người gặp khó khăn về tài chính. Chính quyền các nước cần chú ý hơn tới những mối nguy này.

“Các làn sóng nhiệt là dạng thời tiết cực đoan gây nhiều cái chết nhất nhưng không để lại dấu vết tàn phá hay khung cảnh hoang tàn. Chúng giết chết những người cô độc, nghèo khó tại các nước giàu và làm chết những người nghèo phải bươn chải ngoài trời ở các nước đang phát triển”, bà Otto cho biết.

Nhiệt độ toàn cầu tăng, người nghèo chật vật vì nắng nóng cực đoan - 1
Người nghèo chật vật vì nhiệt độ tăng cao. Ảnh: Al Jazeera

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi hành động trước tình trạng nắng nóng cực đoan. Các bên cần hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong thời tiết khắc nghiệt và bảo vệ người lao động ngoài nắng.

“Nhiệt độ cực đoan đang dần tàn phá nền kinh tế, làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng, làm lung lay các mục tiêu phát triển bền vững và tước đi sinh mạng con người. Ước gần nửa triệu người mỗi năm bỏ mạng vì nắng nóng, gấp 30 lần so với số người chết vì bão nhiệt đới”, ông António chia sẻ.

Lời kêu gọi của ông được đưa ra sau khi thế giới ghi nhận 3 ngày nóng lịch sử là 21, 22 và 23/7, vượt kỷ lục trước đó từ năm 1940. Các nhà khí hậu học cho biết, đây có thể cũng là nhiệt độ cao nhất trên trái đất trong 120.000 năm qua. 

Tình trạng này không phải là trường hợp cá biệt. Tính tới tháng 7, trái đất đã ghi nhận 13 tháng liên tục có nhiệt độ cao kỷ lục, nguyên nhân chủ yếu là do hành vi đốt rừng, nhiên liệu hóa thạch của con người. Rất khó thống kê chính xác số ca tử vong do thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên nhóm người có thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất. 

Khi người giàu yên vị trong nhà, những chiếc xe hơi có điều hòa cho tới các văn phòng, nhà hàng, trung tâm thương mại mát lạnh thì ngoài đường, có những người phải oằn mình lao động dưới cái nóng như người giao hàng, công nhân xây dựng hoặc vệ sinh đường phố.

Ông Alex Maitland, Cố vấn chính sách tại liên minh chống bất công Oxfam         International cho hay: “Do bất bình đẳng, những cái chết vì nhiệt độ đã được định sẵn”. 

Trong những thập niên tới, các ca tử vong do nhiệt độ cao dự kiến tăng mạnh tại các nước nghèo. Trớ trêu thay, những người phải bỏ mạng lại là người không phải chịu nhiều trách nhiệm cho hiện tượng nóng lên toàn cầu. 

Sự bất bình đẳng giàu nghèo trong nắng nóng cực đoan còn xuất hiện trong tôn giáo và hoạt động di cư. Hơn 80% trong số 1.300 người đã bỏ mạng vì nắng nóng trong cuộc hành hương của người Hồi giáo tới thánh địa Mecca (Ả-rập Xê-út) năm nay. Họ không đủ khả năng mua các gói dịch vụ với chỗ ở và phương tiện có điều hòa, những căn lều mát hay trạm cung cấp nước. Nhiều người phải ở ngoài đường khi nhiệt độ lên tới 50 độ C.

Những người tìm cách di cư để tránh nắng nóng và hạn hán cũng là những người chịu rủi ro cao hơn. Vào tháng 6, hàng trăm người di cư Sudan đã qua đời vì nhiệt độ cao trên đường vượt biên trái phép vào Ai Cập. Cùng tháng đó, thi thể của 3 người Mexico đã được tìm thấy tại sa mạc Sonoran, gần biên giới nước Mỹ, khi một đợt nắng nóng cực đoan bao trùm khu vực này. 

Cơ quan tuần tra biên giới El Paso, bao gồm những khu vực thuộc bang Texas và New Mexico, cho biết số người di cư thiệt mạng do nhiệt độ cao vào năm 2023 đã cao hơn gấp đôi so với năm 2022.

Ngày càng nhiều quốc gia có động thái bảo vệ người lao động khỏi nhiệt độ cực đoan bằng việc đưa ra các luật mới. Tại  Armenia, lao động được nghỉ khi nhiệt độ vượt 40 độ C. Ở Bỉ hay Hungary, chính quyền đặt ra các mốc nhiệt độ mà người lao động được nghỉ để tránh nguy hiểm tới sức khỏe. TS Halshka Graczyk, chuyên gia kỹ thuật về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của Tổ chức Lao động quốc tế chia sẻ, có những bằng chứng chứng minh năng suất lao động sẽ giảm dần theo mỗi độ C tăng lên.

Bà Otto kêu gọi toàn cầu chú ý nhiều hơn tới cuộc khủng hoảng chưa nhận được sự quan tâm thích đáng này, còn người nghèo đang trở nên dễ tổn thương với nhiệt độ khắc nghiệt hơn bao giờ hết.

Phương Ngân (Theo Guardian)

Báo Lao động và Xã hội số 108