Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình Lâm Xuân Phương cho biết, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội các nhiệm kỳ qua, tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng và dành nhiều nguồn lực để thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội.
Điều này được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Nhiều Nghị quyết trở thành "kim chỉ nam", thu hút, tập hợp sự tham gia của nhiều nguồn lực xã hội.

Hỗ trợ xây, sửa chữa nhà cho hộ nghèo Ninh Bình (Ảnh: Gia Khánh)
Nghị quyết số 43/NQ-HĐND, ngày 10/3/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025 (NQ 43) là một trong những chính sách tiêu biểu ấy.
Trên cơ sở nguồn lực, cơ chế, chính sách chung của Trung ương ban hành, tỉnh Ninh Bình đã chủ động, tranh thủ lồng ghép với ngân sách địa phương và các nguồn lực huy động khác, ban hành các chính sách, đề án đặc thù phù hợp với địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo nói chung, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo nói riêng.
Theo đó, giai đoạn 2015-2020, có 3.253 hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, với tổng kinh phí trên 120,1 tỷ đồng, được Trung ương đánh giá là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước làm tốt công tác hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở.
Bà Đinh Thị Thanh, anh Nguyễn Văn Tú (huyện Yên Mô, Ninh Bình) là 2 trong số gần 500 hộ nghèo của tỉnh Ninh Bình thuộc đối tượng thụ hưởng đầu tiên của NQ 43. Không còn nỗi lo về nhà ở trong mùa mưa bão, ấm lòng trong ngôi nhà mới khang trang, những hộ nghèo như bà Thanh, anh Tú không giấu được niềm xúc động.
Anh Tú chia sẻ: “Khoản hỗ trợ 100 triệu đồng từ Nghị quyết số 43 là một số tiền rất lớn, cả cuộc đời tôi cũng không thể làm ra. Có được sự hỗ trợ này, tôi càng có thêm động lực, quyết tâm để phá bỏ ngôi nhà cũ xuống cấp, huy động thêm kinh phí để xây lên ngôi nhà kiên cố”.
“Tôi rất biết ơn chính sách của tỉnh, sự giúp đỡ của anh em, cộng đồng. Đây là một món quà lớn và ý nghĩa đối với gia đình tôi”, anh Tú chia sẻ thêm.
Được biết, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Ninh Bình còn 9.614 hộ nghèo, chiếm 3,07%; 10.881 hộ cận nghèo, chiếm 3,48%.
Dự kiến, trong năm 2024-2025, tỉnh Ninh Bình sẽ trích trên 84 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách để thực hiện Nghị quyết số 43.
Hiện nay, có 500 hộ nghèo đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở năm 2023, phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình Lâm Xuân Phương chia sẻ, thách thức lớn nhất trong công tác giảm nghèo ở giai đoạn hiện nay đó là phần nhiều các hộ nghèo là người già, neo đơn, gặp tai nạn rủi ro, bệnh tật…
“Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tỉnh Ninh Bình cũng đã nghiên cứu, ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù có ý nghĩa rất quan trọng, có diện bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế”, ông Phương nói.
Nhiều chính sách đặc thù được thực hiện đã tạo dấu ấn đậm nét cho công tác đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Với sự chung tay, góp sức của các lực lượng trong xã hội, năm 2023, tổng số tiền vận động ủng hộ Quỹ của cả 3 cấp đạt trên 56,7 tỷ đồng.
Hỗ trợ xây, sửa chữa nhà cho hộ nghèo đã và đang được lan tỏa sâu rộng tại khắp các địa phương trong toàn tỉnh, tạo nên những hiệu ứng tích cực.
“Nhiều chính sách được ban hành và thực thi hiệu quả trong cuộc sống đã góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống, xóa đói giảm nghèo bền vững”, ông Lâm Xuân Phương nhấn mạnh.
Gia Khánh
.