Xã Khánh Thành thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), diện tích tự nhiên phần lớn là địa hình đồi núi dốc, bị chia cắt bởi nhiều sông suối.
Dân số toàn xã có 531 hộ, 2.264 khẩu, gồm 6 dân tộc, trong đó: Dân tộc Raglai chiếm 97,8% dân số. Toàn xã hiện có 294 hộ nghèo, chiếm 55,68%; có 59 hộ cận nghèo, chiếm 11,17%.
Từ chủ chương, chính sách của Đảng ủy, chính quyền và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.
Nhiều hộ nghèo được sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội đã tự lực phấn đấu vươn lên đầu tư sản xuất thu nhập ổn đinh, thoát nghèo bền vững.
Vợ chồng anh Đồng Văn Dũng-Dương Thị Hoa là người dân tộc Tày ở phía Bắc vào làm ăn sinh sống tại thôn Tà Mơ, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh. Từ hộ nghèo, được sự hỗ trợ của Nhà nước, đến năm 2021 gia đình anh Dũng-chị Hoa đã vươn lên thoát nghèo. Chị Hương tâm sự, trước đây vợ chồng từ phía Bắc vào lập nghiệp chỉ có hai bàn tay trắng, rồi sinh con nhỏ, kinh tế gia đình khó khăn do không có vốn đầu tư sản xuất nên chỉ trông chờ vào thu nhập từ làm thuê, trồng bắp, mì với mức thu nhập rất thấp, bấp bênh.
Để hỗ trợ, giúp đỡ gia đình anh Dũng-chị Hoa vươn lên thoát nghèo, địa phương đã chú trọng phân công cán bộ thôn, xã theo dõi hỗ trợ phát triển sản xuất. Chị Hoa cho biết, để giúp gai đình phát triển sản xuất ổn định, chị được địa phương tư vấn cho vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 100 triệu đồng để trồng keo, trồng bưởi và 20 triệu đồng theo chương trình nước sạch nông thôn. Có vốn, gia đình đầu tư trồng khoảng 1 héc-ta keo, trồng bưởi và mua trâu về nuôi.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình anh chị chịu khó làm thuê lấy tiền chi tiêu sinh hoạt gia đình và chăm sóc vườn keo, bưởi. Dần dà năm này qua năm khác, cây keo và bưởi cũng lớn lên, đàn trâu cũng sinh sôi nảy nở. Nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất trồng trọt và chăn nuôi trâu đã bắt đầu ổn định. Chị Hương cho biết, mỗi đợt thu hoạch keo cũng bán được 20-30 triệu đồng; mỗi năm cũng bán được 2-3 con trâu (mỗi con tầm 12 triệu đồng). Với thu nhập này, gia đình cố gắng nuôi hai đứa con ăn học đến hết đại học.
Sự cố gắng phấn đấu bằng ý chí nghị lực vươn lên của gia đình chị Hoa đã được bù đắp. Hai đứa con của chị Hoa nhờ được bố mẹ chăm lo hướng đến “cái chữ” nay đã học hết đại học. “Đứa lớn học đại học sư phạm nay dạy ở thị xã Ninh Hòa-Khánh Hòa, đứa em học đại học nông nghiệp đã ra trường làm ở TP.HCM lương mỗi tháng cũng được 10 triệu đồng. Bây giờ con cái lớn hết rồi, đã có công ăn việc làm ổn định, gia đình chỉ còn hai vợ chồng với nguồn thu nhập ổn định từ trồng keo, bưởi và làm thuê cũng đủ để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.
Do không có người chăm nên mới đây gia đình đã bán hết đàn trâu 8 con 100 triệu đồng, dự định Nhà nước hỗ trợ thêm để xây dựng lại ngôi nhà”- Chị Hoa chia sẻ.
Rời nhà chị Hương, chúng tôi đến thăm gia đình anh Cao Vắn là người dân tộc Raglai cũng ở thôn Tà Mơ, xã Khánh Thành, là hộ gia đình đã thoát nghèo vào cuối năm 2022. Anh Vắn tâm sự, trước đây gia đình nghèo là do vợ bị bệnh hiểm nghèo, gia đình có bao nhiêu tài sản, vốn liếng phải bán đi để có tiền chạy chữa bệnh cho vợ.
Không chỉ bán tài sản mà anh là lao động chính trong gia đình cũng phải bỏ công ăn việc làm đi nuôi bệnh cho vợ ở bệnh viện TP.HCM.
Từ gia đình có nguồn thu nhập cao từ 15 héc-ta keo, mỗi năm bán được khoảng 250 triệu đồng, anh Vắn đã bán đi hết chỉ còn lại 1,5 héc-ta; 2 bưởi da xanh của gia đình cũng không có người chăm sóc nên sản lượng không có mấy.
Nhưng mặc dù hết mình chạy chữa nhưng căn bệnh K hiểm nghèo của vợ cũng không qua khỏi, chị đã rời bỏ anh và các con ra đi sau 4 năm chữa trị. Giấu nổi buồn vào trong anh Vắn đã cố gắng cùng các con phát triển lại kinh tế gia đình. Dù đã bán bớt diện tích trồng keo, anh Vắn đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay trồng 1,5 héc-ta keo trở lại và nuôi thêm bò. Căn nhà anh được Nhà nước hỗ trợ từ dự án định canh định cư đã được gia đình sửa sang lại rộng rãi, sạch đẹp hơn.
Trưởng thôn Tà Mơ là ông Cao Quyết cho biết, theo chuẩn nghèo đa chiều, gia đình anh Vắn có nhà ở kiên cố, nhà có ti vi, tủ lạnh đầy đủ, có 4 bàn bida và diện tích đất sản xuất trồng keo 1,5 héc-ta, diện tích trồng bưởi thu nhập ổn định từ kinh tế nông nghiệp nên cuối năm 2022 thôn, xã rà soát hộ nghèo đã bình xét hộ gia đình anh Cao Vắn đủ điều kiện thoát nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều.
Khánh Thành phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm 60 hộ nghèo:
Bà Lê Thị Kim Hoa-Chủ tịch UBND xã Khánh Thành cho biết,triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững năm 2023 trên địa bàn, xã đã ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 29/3/2023 và phân công cho các thành viên Ban Quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia xã Khánh Thành giai đoạn 2021-2025 phụ trách 2 thôn;thường xuyên trực tiếp theo dõi, giúp đỡ cho các hộ hộ nghèo, cận nghèo 2 thôn.
Năm 2023, trực tiếp theo dõi, giúp đỡ 87 hộ nghèo có khả năng thoát nghèo và 3 hộ có khả năng thoát cận nghèo dự kiến thoát nghèo, thoát cận nghèo cuối năm 2023. Xã phấn đấu đến cuối năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã 11,36% tương đương với 60 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2023 từ 55,87% xuống còn 44,51% vào cuối năm 2023; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,57% tương đương với 3 hộ.
Để đạt được mục tiêu đó, xã đã chú trọng huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh, của huyện và các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương, gắn với Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xã Khánh Thành giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Khánh Thành giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn xã.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn xã Khánh Thành đã thực hiện 20 buổi lồng ghép tuyên truyền các nội dung thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững tại các buổi họp thôn đăng ký nhu cầu hỗ trợ trong Chương trình kinh tế xã hội miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững cho khoảng 320 lượt người. Đồng thời, phối hợp với Phòng Dân tộc và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở 2 lớp tuyên truyền các chính sách thuộc các Chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững, số lượng 50 người/lớp. Phối hợp Hội Phụ nữ huyện tuyên truyền, có hơn 365 lượt người tham dự; qua triển khai đã thúc đẩy các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn xã đã dần tự lực vươn lên, tiết kiệm trong chi tiêu tăng gia lao động sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn lực được hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Các ban, ngành, đoàn thể xã cũng đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện nói chung và xã Khánh Thành nói riêng, để người dân hiểu được chủ trương, chấp hành và tham gia có hiệu quả các dự án khi UBND xã triển khai, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Nâng cao ý thức và trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, 4 thôn, và nhân dân trên địa bàn xã, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta đối với người nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách, sự giúp đỡ của Nhà nước, xã hội.Đổi mới phong trào thi đua “ Vì người nghèo-không ai bị bỏ lại phía sau”, “ Thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” để người nghèo có cơ hội thoát nghèo, phát triển kinh tế theo tình hình mới”-Bà Lê Thị Kim Hoa chia sẻ.
Các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên địa bàn xã Khánh Thành. Xã thực hiện việc chi trả đầy đủ tiền điện cho 295 hộ nghèo với tổng số tiền gần 98 triệu đồng.Tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, vay vốn mua sắm vật tư, giống, cây trồng,…đầu tư phát triển sản xuất. Gắn hoạt động cho vay vốn với hướng dẫn cách sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả và phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Trong 9 tháng đầu năm 2023 đã cho vay 16 hộ nghèo 1 tỷ 162 triệu đồng; cho vay hộ cận nghèo 3 hộ, số tiền 300 triệu đồng. Xã đã tiến hành lập danh sách và được huyện phê duyệt hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán.
Trong đó, có 64 hộ được hỗ trợ nhà ở, 15 hộ hỗ trợ đất ở; 114 hộ hỗ trợ chuyển đổi nghề và 10 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Trong 9 tháng đầu năm 2023, địa phương đã thực hiện xây mới nhà ở cho 7 hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ của Mặt trận tỉnh (5 căn nhà Đại đoàn kết) và Công ty Yến Sào hỗ trợ (2 căn nhà).