Nhà của Hồ Thị Kiên chỉ là một căn lều nhỏ nhất ở cuối bản Rào tre, nép bên dãy núi Ka- Đay. Ngôi nhà chỉ vẻn vẹn chưa đầy 14m2, là nơi trú ngụ của 4 con người. Nhà nhỏ chật chội nhưng lại là ngôi nhà được sắp xếp ngăn nắp gọn gàng nhất bản.
Được chúng tôi khen, Kiên cười bẽn lẽn “mình làm trưởng bản không sạch sẽ thì nói ai nghe”.
Ở bản Rào Tre, chuyện “nói ai nghe” quan trọng lắm. Bao đời nay, chỉ có người lớn, kẻ già nói đồng bào Chứt mới nghe, chứ người trẻ tuổi như Kiên chỉ được xem như những đưa con nít. Ấy vậy mà, 2 năm làm trưởng bản “đứa con nít” Hồ Thị Kiên lại được nói xiêu lòng cả người già lẫn người trẻ của cả bản.
Tuy nhiên, để được như thế, cũng không hề dễ dàng đối với nữ trưởng bản sinh năm 1988 này.
Từ khi người Chứt được phát hiện, từ bỏ cuộc sống hoang dã hòa nhập với cộng đồng đã gần 30 năm. Từ đó đến nay, trưởng bản của người Chứt là đều là những người lớn tuổi trong bản như ông Hồ Kính, bà Hồ Nam.
Những người trẻ chỉ mới tham gia các hoạt động của bản một vài năm lại đây nhưng cũng chỉ dừng lại ở bí thư đoàn. Còn chuyện “đại sự” của bản vẫn là chuyện của lớp người già.
Thế nhưng, người già của bản Rào tre không biết chữ, biết đọc nên việc truyền đạt các chủ trương chính sách của nhà nước rất hạn chế. Nhận thấy điều này, đầu năm 2015, bộ đội biên phòng và chính quyền UBND xã đã xem xét, tham mưu đưa đội ngũ trẻ trong bản làm thế hệ kế cận.
Nhớ lại buổi đầu đứng phát biểu trước bà con, Kiên ngại ngùng: “Mặc dù được học cái chữ, biết hát cho đồng bào nghe nhưng giờ nói để đồng bào nghe đồng bào hiểu đâu có dễ. Người bản mình khó lắm, nhất là người già. Hồi biết mình lên làm trưởng bản, buổi họp đầu tiên, đang nói nhiều người già họ bỏ về luôn. Đứng trên thấy tủi lắm”.
Điều lạ lùng, Kiên không thấy đó làm nhụt chí, chị suy nghĩ: “Nếu mình không tự tin vào chính mình thì không ai tin mình. Nói chưa nghe vì mình còn chưa giỏi nói. Mình cũng nhờ các chú, các chị em bên xã bày mình nói, hướng dẫn mình nói sao cho tự tin. Vấn đề gì chưa hiểu mình hỏi lại cho hiểu. Có hiểu đúng thì mình mới truyền lại cho bà con nghe được”.
Không chỉ tự mình trau dồi thêm kiến thức, Kiên còn tìm hiểu tính cách, tâm tư của bà con. “Bà con mình cứ phải gần họ, giúp họ thì họ mới gần mình giúp mình được. Nhà mình có 1 chiếc xe máy, trong xã xe máy hiếm lắm mà người già không ai biết đi cả. Thấy ai có việc đi xa, rảnh rỗi mình lại chở họ đi. Rồi trò chuyện nhiều để nắm bắt tâm tư của bà con, truyền đạt lại với bộ đội, với chính quyền. Những buổi họp cũng đông người hẳn, không ai bỏ về. Nhiều cái mình nói hay bà con còn vỗ tay hoan hô. Mình mừng lắm”, trưởng bản Hồ Thị Kiên cười.
Nhiệt tình với vai trò mới, Kiên cũng phải chia sẻ thời gian với công việc gia đình. Năm 2015, khi được bầu làm trưởng bản, con trai thứ 2 của Kiên chỉ mới 8 tháng. Có lần 2 ngày đi họp ở tỉnh, cách nhà gần 70km. Kiên phải chạy xe máy ra trung tâm thị trấn gửi xe rồi lại bắt xe buýt đi. Chiều lại tất tả chạy về lo cho các con.
Rất may, dù là người đồng bào thiểu số nhưng chồng của Kiên cũng không hề trách vợ. Khi vợ vắng, anh còn giúp chị chăm con, động viên vợ yên tâm làm việc. Bà Hồ Nam (nguyên trưởng bản) nói: “Từ ngày có trưởng bản trẻ, mọi việc tốt hơn vì Kiên năng động lắm, nắm bắt các vấn đề nhanh hơn. Kiên có cái chữ nên làm việc tốt hơn”.
Theo ông Đinh Văn Sánh (Chủ tịch UBND xã Hương Liên) nhận xét: “Gần hai năm vừa qua, Hồ Thị Kiên luôn nhiệt tình với công tác được giao. Trong các cuộc họp, chị Kiên biết sắp xếp, tổ chức rất bài bản. Đặc biệt dù là lớp trẻ nhưng lời nói của Kiên tại các cuộc họp trong bản được người dân lắng nghe. Nhờ đó, trong 2 năm qua, các thông tin chỉ đạo của cấp trên đều được bà con nắm bắt và chấp hành có hiệu quả”.
Một trong những hiệu quả mà Hồ Thị Kiên tâm đắc là vấn đề dân số tại đồng bào Chứt. Vài năm lại đây, chị em đồng bào Chứt đã biết sử dụng các biện pháp tránh thai. Câu chuyện về đặt vòng, sử dụng thuốc, tiêm… trở nên quen thuộc với chị em nơi đây.
Trong 2 năm qua, chị em đồng bào Chứt cũng giảm hẳn việc sinh con ngoài mong muốn, để tập trung lo cho đời sống kinh tế. "Nhà mình có 6 đứa, không muốn sinh nữa đâu vì nghèo lắm. Lúc đầu thấy cán bộ dân số nói đặt vòng sợ đau lắm nhưng thấy trưởng bản Kiên đặt không sao lại không lo mang thai nên làm theo. Nhờ thế mà tránh cảnh năm nào cũng sinh", chị Hồ Thị Lan cho biết.
Chia sẻ về tâm tư, nguyện vọng của mình, trưởng bản Hồ Thị Kiên trầm tư: “Mình không ngại khó, ngại khổ chỉ mong có thể đủ năng lực cùng các cấp chính quyền giúp đồng bào mình thay đổi về nhận thức để phát triển đời sống kinh tế. Bởi qua ti vi, mình thấy đồng bào Chứt mình nhận thức còn tụt hậu so với nhiều đồng bào thiểu số khác thấy thương lắm”.