Ông Ngô kiểm tra chất lượng trứng trước khi cho vào lò ấp.
Khởi nghiệp từ 120 con vịt đẻ
Năm 1967, khi vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Đỗ Đình Ngô tình nguyện lên đường nhập ngũ với mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau hai tháng huấn luyện tại Sư đoàn 320, ông cùng đồng đội hành quân vào Nam chiến đấu. Trong quá trình công tác, ông đã tích cực tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước. Chỉ sau một năm tham gia quân đội, ông đã được kết nạp Đảng ngay giữa chiến trường. Nhưng một đêm tháng 11/1972, trong một lần đại đội ông đang làm nhiệm vụ tại đường mòn Hồ Chí Minh, máy bay giặc bất ngờ ập đến, xả bom dữ dội, ông không may trúng phải mảnh bom của địch nên mất một cánh tay. Sau đó ông quay trở lại Hà Nội và được chuyển vào trại Thương binh Ba Vì an dưỡng.
Ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê hương. Người thân, bạn bè đón ông trong niềm vui xen lẫn những lo âu. Họ mừng vì ông đã được trở về bên người thân gia đình, còn họ lo cho ông sau này sẽ sinh sống như thế nào khi chỉ còn một cánh tay. Thế nhưng không vì thế mà ông nản lòng, để chứng minh mình là một người “tàn nhưng không phế”, ông Ngô đã lao động hăng say hơn trước.
Năm 1982, khi đang làm Chủ nhiệm hợp tác xã chăn nuôi, ông xin về làm kinh tế, quyết chiến thắng đói nghèo. Khởi nghiệp bằng 120 con vịt đẻ, sau đó, ông học cách ấp trứng để bán vịt con. Nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm, lần đầu, ông thất bại. Toàn bộ số trứng ấp bị ung, thối. Không nản lòng trước những thất bại, ông tiếp tục vay tiền nuôi vịt đẻ. Và thành công đã đến với ông. Mang vịt con ra chợ bán, số tiền lãi ông mua được 28 cân gạo, đủ cho gia đình ăn cả một tuần.
Thấy nhu cầu thị trường về giống gà, vịt lớn, năm 1989, ông chuyển sang nuôi gà đẻ rồi ấp trứng bán gà con. Đến khi có gà con, trên chiếc xe đạp cũ kĩ, hai vợ chồng ông lại lách cách đạp xe mang ra chợ bán. Thấy giống gà của ông chất lượng tốt, dễ nuôi, nhanh lớn nên những người mua trước đã giới thiệu cho nhiều người khác. Dần dần, khách hàng chủ động tìm đến nhà ông.
Lứa gà con mới ra lò
Tấm lòng nhân hậu của người cựu chiến binh
Khi nhu cầu của khách hàng không ngừng tăng lên, ông mạnh dạn chuyển từ chăn nuôi hộ gia đình sang làm trang trại. Năm 2008, ông mua 3.600 mét vuông đất bãi ở xã An Thượng đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà theo hướng công nghiệp. Tiếp đó, ông sắm dàn máy ấp trứng hiện đại.
Vượt qua bao khó khăn, cho đến bây giờ từ chỗ quy mô nhỏ bé, hiện xưởng ấp trứng của ông đã phát triển thành Công ty Giống gia cầm Thắng Lợi và thực hiện ấp vài triệu quả mỗi năm. Từ đó, thương hiệu “giống vịt ông Ngô”, “giống gà ông Ngô” ngày lan rộng đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hiện ông Đỗ Đình Ngô đã sở hữu một trang trại ấp trứng gà với diện tích 4000 m2, hơn 30 máy ấp trứng công nghiệp. Trang trại ông nuôi 15.000 con gà sinh sản, 4 ngày cho ra một lứa gà con, mỗi lứa khoảng từ 30.000 đến 35.000. Mỗi năm, ông xuất ra thị trường hơn 24 triệu gà con, thu lãi khoảng 3 tỷ đồng. Không chỉ làm kinh tế gia đình, ông Ngô còn mang lại công ăn việc làm cho nhiều người dân trong khu vực. Hiện tại, trang trại của ông có 15 lao động, lương bình quân 7,5 triệu đồng/tháng. Lao động xa được bố trí chỗ ăn, ở ngay tại trang trại. Ngoài 15 lao động trực tiếp làm việc ở trang trại, còn có 30 gia đình ở xung quanh chuyên nuôi gà đẻ để cung cấp trứng ấp cho trang trại.
Khi ăn nên làm ra, nhìn thấy nhiều đồng đội cũ có cuộc sống khó khăn, chật vật làm ông không khỏi trăn trở, day dứt. Với tấm lòng nhân hậu của một người lính, ông Ngô thường xuyên giúp đỡ các hộ gia đình ở địa phương có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các gia đình hội viên Hội Cựu chiến binh, gia đình chính sách, người có công. Ông còn hỗ trợ về con giống, truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng và điều trị bệnh gia cầm cho nhiều hộ ở địa phương.
Từ năm 2008 đến nay, tổng số tiền ông giúp các đồng đội làm kinh tế lên đến gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ trên 2 vạn con gà giống mỗi năm cho những người đồng đội và hộ nghèo trên địa bàn huyện. Đến nay đã có hơn 30 gia đình cựu chiến binh trong và ngoài huyện thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ sự hỗ trợ của ông.
Với những thành quả có được sau bao cố gắng, nỗ lực, ông Đỗ Đình Ngô đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng biểu tượng kỷ niệm chương cho Doanh nhân - Doanh nghiệp cựu chiến binh tiêu biểu toàn quốc…