Mỗi năm nông dân ở xã Hoà Hội, huyện Phú Hoà (tỉnh Phú Yên) canh tác 2 vụ dưa hấu, mỗi vụ có khoảng 50 hộ tham gia canh tác quanh năm, chiếm khoảng 90ha đất trồng trọt. Thế nhưng, dưa hấu nói riêng và một số nông sản khác nói chung đến nay vẫn không đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân.
Đơn cử, vào vụ hè năm 2022, dưa hấu Hoà Hội bị mất giá do thị trường không ổn định. Giá dưa hấu bị rớt từ 6000 đồng/kg xuống chỉ còn 1000 đồng/kg. Người nông dân thua lỗ phải kêu gọi các tổ chức xã hội và các cấp chính quyền giải cứu.
Chính vì vậy, chính quyền xã Hoà Hội đã và đang định hướng nông dân canh tác theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm nông sản an toàn để tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của xã, giúp nông dân nâng cao giá trị trái dưa hấu, cũng như có nguồn thu nhập ổn định.Bên cạnh đó, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoà Hội cũng nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp ở địa phương, tiến tới thực hiện mô hình liên doanh liên kết đảm bảo đầu ra ổn định cho trái dưa hấu.
Ông Phạm Tấn Thơ-Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoà Hội cho biết, thời gian qua, với định hướng tham gia vào chương trình OCOP nên Hợp tác xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cây dưa hấu cho nông dân theo hướng an toàn, hữu cơ, có ghi chép nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc.Đến nay, đã có tổng số 30/50 hộ dân thường xuyên canh tác dưa hấu ở địa phương tham gia vào Hợp tác xã.
“Cái lợi khi người nông dân tham gia vào chuỗi liên kết, đảm bảo đầu ra là bà con biết được mức giá ngay từ đầu vụ. Như vậy, bà con sẽ có kế hoạch chi tiêu, mua sắm vật tư sản xuất hợp lý nhất, không lo cuối vụ bị mất giá”, ông Thơ chia sẻ.
Hiện nay, thương hiệu “Dưa hấu Hoà Hội” đã được chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cấp chứng nhận an toàn thực phẩm; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cấp mã vạch. Đặc biệt, cho tới thời điểm hiện tại, Công ty TNHH nông sản Khải Hiền đã ký hợp đồng liên kết với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoà Hội, trở thành đại lý, nhận bao tiêu trái dưa hấu cho các thành viên đã tham gia vào Hợp tác xã với số lượng khoảng 600 tấn/năm.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoà Hội, sắp tới Hội đồng OCOP của tỉnh sẽ tiến hành chấm điểm đối với sản phẩm mang thương hiệu “Dưa hấu Hoà Hội”. Nếu “Dưa hấu Hoà Hội” đạt chuẩn thì sẽ được đưa vào các siêu thị để tiêu thụ, giá thành sẽ cao hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân.
“Nếu đạt thành tích như mong đợi, Hợp tác xã sẽ lập dự án, xin kinh phí từ Phòng Nông nghiệp huyện Phú Hoà thực hiện các thủ tục cần thiết để Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên làm hồ sơ đề nghị Cục trồng trọt cấp mã số vùng trồng; tiến tới đưa “Dưa hấu Hoà Hội” xuất khẩu sang Trung Quốc theo hướng chính ngạch”, ông Thơ cho biết.
Được biết, Công ty TNHH nông sản Khải Hiền có trụ sở tại thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Đây là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Phú Yên tự bỏ vốn ra để làm mã số vùng trồng cho các loại nông sản như: ớt chỉ thiên, mè, đậu đỏ…ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện nay, doanh nghiệp này tiếp tục hợp tác với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoà Hội để phát triển thương hiệu “Dưa hấu Hoà Hội”.