Phú Yên thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ nhưng có tới 31 dân tộc cùng sinh sống. Bằng nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với sự nỗ lực trong sản xuất, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã vươn lên thoát nghèo. Điều này khẳng định sự đúng đắn trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Gia đình anh HVing H Điếp ở buôn Học, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa là hộ thoát nghèo từ nguồn vốn vay phát triển kinh tế của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò chăn nuôi. Hiện gia đình anh vẫn duy trì việc chăn nuôi bò sinh sản và đàn bò đã tăng lên 9 con.
Cùng với gia đình HVing H Điếp, từ đầu năm 2019 đến nay có 63 hộ của xã Krông Pa đã thoát nghèo. Tỷ lệ hộ thoát nghèo tăng là nhờ việc nhiều người dân đã tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa đã thực hiện cho vay 579 lượt hộ tại xã Krông Pa. Nguồn vốn này đáp ứng nhu cầu sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ hiệu quả mang lại của việc chăn nuôi bò sinh sản, ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhân rộng dự án giảm nghèo bền vững tại 6 buôn, tổng nguồn kinh phí đầu tư 150 triệu đồng với 13 hộ nghèo tham gia.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong giai đoạn 2016 - 2020, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Yên được thụ hưởng đầy đủ các chương trình, dự án và chính sách an sinh xã hội liên quan đến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, thực hiện chính sách giảm nghèo. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực có đồng bào dân tộc sinh sống đạt gần 14 triệu đồng/người/năm (riêng đồng bào dân tộc thiểu số từ 8 - 10 triệu đồng/người/năm).
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2016 - 2020 địa phương đã đạt mục tiêu giảm nghèo và hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Kết quả điều tra vào năm 2016, toàn tỉnh Phú Yên có 30.803 hộ nghèo (12,62 %).
Đến cuối năm 2019 còn 10.271 hộ (3,93%), dự ước cuối năm 2020 chỉ còn 2,54% hộ nghèo, đạt mục tiêu đề ra. Các hộ nghèo được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước như: chính sách tín dụng, y tế, xóa nhà ở tạm… Đến cuối năm 2019, tỉnh Phú Yên đã có 2 huyện thoát nghèo (theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); 1 xã đặc biệt khó khăn và 10 thôn, buôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi hoàn thành Chương trình 135.
Ngoài ra, để hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế, tỉnh đã tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện các chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình được giúp đỡ và vươn lên thoát nghèo thông qua việc triển khai "mô hình cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo".
Trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Phú Yên đề ra chỉ tiêu mỗi năm giảm 1,5 - 2,0% tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới); riêng các xã nghèo, xã thuộc vùng khó khăn giảm bình quân 2,5 - 3%/năm.
Theo ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục triển khai các dự án, chính sách theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn tới theo hướng tập trung, có tính căn cơ, bài bản hơn, đi vào những nội dung cụ thể, phù hợp với từng địa phương, tạo nhiều cơ hội cho hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống.