Kết quả giảm nghèo ở vùng dân tộc miền núi nhanh nhưng chưa bền vững
Giai đoạn 2012 – 2015: Về cơ bản đạt mục tiêu giảm hộ nghèo theo Nghị quyết số 80/2011/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ và Quyết định số 1489/2012/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Bình quân cả nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm (giảm 706.849 hộ), trong đó: Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân/năm tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là 5,65%/năm (giảm 101.266 hộ), vượt chỉ tiêu Chương trình (chỉ tiêu 4%).
Giai đoạn 2016 – 2018 (theo tiêu chí nghèo đa chiều): Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 9,88% (năm 2015), xuống còn 5,23% (năm 2018), bình quân giảm 1,55%/năm, tương ứng giảm 1.047.452 hộ, đạt mục tiêu (giảm 1% - 1,5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân 5,5%/năm vượt mục tiêu (giảm 4%); các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3-4% trở lên mỗi năm, đạt mục tiêu. Số hộ nghèo DTTS giảm được 343.470 hộ, bình quân giảm từ 3-4% mỗi năm.
Trình bày báo cáo quả giám sát về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH Hà Ngọc Chiến cho biết, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Đến nay đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm trung bình khoảng 3,5%/năm.
Về tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, qua báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành và qua thực tế giám sát tại địa phương cho thấy, kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững, một số kết quả chưa thực chất, chất lượng giảm nghèo chưa cao.Ngoài ra, một số vấn đề bức xúc của đồng bào DTTS, MN chi phối và ảnh hưởng đến giảm nghèo bền vững chậm được giải quyết, hiệu quả chưa cao; công tác phân bổ kinh phí thiếu so với kế hoạch; công tác quản lý, sử dụng kinh phí ở một số địa phương còn sai sót, phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước.
Nhiều chính sách còn chồng chéo, phân tán, nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều đánh giá cao báo cáo giám sát của Hội đồng dân tộc cũng như những kết quả hết sức tích cực mà Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mang lại, góp phần thay đổi bộ mặt của vùng DTTS và MN
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, báo cáo đã cho thấy thực trạng, bức tranh tổng thể về kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững. Theo ông Hiển, hệ thống pháp luật là khá đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, các cuộc giám sát cũng cho thấy, chính sách thường chậm, lạc hậu so với yêu cầu của thực tiễn, vẫn còn có những chính sách chồng chéo, phân tán, chưa tập trung; vẫn còn tình trạng nợ chính sách...
Về tổ chức thực hiện, ông Hiển cho rằng, nguồn lực thời gian qua khá tập trung, cơ bản đều đạt dự toán nhưng so với yêu cầu còn chưa đáp ứng. Đặc biệt, theo ông dù nguồn lực khó khăn nhưng kỷ luật tài chính vẫn lỏng lẻo thể hiện qua kết quả của Kiểm toán nhà nước thì sai phạm giai đoạn sau lại cao hơn giai đoạn trước.
Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh trong xóa đói giảm nghèo thì cần phân tích kĩ vấn đề xây dựng nông thôn mới. Bởi nhiều nơi đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chỉ đạt ở phần vỏ còn lõi bên trong là tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất, thu nhập của người dân có phát triển không thì lại không đạt.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, Đoàn giám sát đã có cách làm khá bài bản khi tiến hành các cuộc giám sát tại địa phương; chất lượng báo cáo tốt, đánh giá rõ mặt được, mặt chưa được và chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được lồng ghép trong nhiều chính sách, nhưng chất lượng chính sách và sự phối hợp liên ngành chưa đảm bảo nhiều chính sách manh mún dàn trải, chưa khả thi, có chính sách hợp với vùng này nhưng không hợp với vùng khác nhưng vẫn áp dụng chung. Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần khắc phục những tồn tại này trong thời gian tới.
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong công tác xóa đói giảm nghèo song Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trăn trở về 5 khó khăn mà đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang đối mặt về: điều kiện tự nhiên; chất lượng nguồn nhân lực; kinh tế xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất; và khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản. Bà đặt câu hỏi: "Chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng do chính sách của chúng ta chưa đúng, chưa trúng, hay chưa thực sự quyết tâm thực hiện mà đồng bào miền núi phải "gánh 5 cái khó khăn nhất"?.
Về giải pháp, bà Hải nhấn mạnh tới việc cần thu hút nguồn lực xã hội hóa cho khu vực miền núi nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề giảm nghèo
Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra rằng, báo cáo mới chỉ quan tâm đến vấn đề ăn-mặc-ở, đến sinh kế của bà con chứ chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần cũng như việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa rất đa dạng của bà con. "Báo cáo mới chỉ nói về cái nghèo về vật chất, còn vấn đề tạo điều kiện quan tâm về tinh thần như thế nào cho đồng bào thì chưa có", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về kết quả thực hiện các mục tiêu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đó là "nỗ lực không thể phủ nhận": Rất nhiều công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng; đến nay, đã có hơn 25.000 công trình hạ tầng được xây dựng, đa số các xã có đường ô tô liên thôn, có đường đến trung tâm xã. 88% thôn đã có đường cho xe cơ giới, 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn, 99% trung tâm xã và 88% thôn có điện.
"Mặc dù khó khăn, tồn tại là có nhưng không lấy điều này để phủ nhận nỗ lực của việc thực hiện chính sách pháp luật đối với đồng bào", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt quan tâm đến tỷ lệ xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt nông thôn mới. Có bao nhiêu xã hay chưa có xã nào đạt nông thôn mới- Điều này phải xem để đánh giá đầy đủ hơn trong báo cáo. Ngoài ra một tồn tại nêu trong báo cáo mà Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đó là việc giảm nghèo chưa thực sự bền vững, một số kết quả chưa thực chất, chất lượng giảm nghèo chưa cao, tỷ lệ cận nghèo còn nhiều, tỷ lệ tái nghèo còn cao, thu nhập đầu người còn thấp và chênh lệch tương đối lớn giữa các nhóm dân tộc thiểu số với nhau.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, phương pháp làm việc khoa học của Đoàn giám sát; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những nội dung của báo cáo giám sát; 100% thành viên tán thành với việc cần thiết ban hành Nghị quyết kết quả giám sát.
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chính sách sau này phải phân biệt rõ hơn, lựa chọn trong đồng bào dân tộc thiểu số những đồng bào nghèo nhiều phải được tập trung chính sách, để 3 năm nữa bà con vươn lên, không còn tỷ lệ nghèo cao như trên. "Cần đưa thêm vào nghị quyết thể hiện quan điểm này", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, qua giám sát lần này sẽ là cơ sở để Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025. "Đề án này chú ý đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào, làm sao để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vượt qua phạm vi thôn bản của mình và tham gia vào tất cả các hoạt động của đời sống xã hội", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, cùng làm việc với Đoàn giám sát, cá nhân ông đánh giá rất cao kết quả giám sát. "Quá trình làm việc chúng tôi thấy Đoàn giám sát làm việc rất bài bản, dày công, nghiêm túc, thẳng thắn và rất khách quan trong đánh giá", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chương trình giảm nghèo nói chung và giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trong thời gian qua đã có những tiến bộ rõ rệt. Về cơ bản, các chỉ tiêu do Quốc hội, TVQH đặt ra đều đạt được. Đặc biệt là xuất hiện rất nhiều điển hình, trong đó có trường hợp một huyện có 104 hộ viết đơn xung phong xin ra khỏi hộ nghèo. Thông qua Chương trình giảm nghèo nhiều địa phương cũng phát triển rất tốt BHXH tự nguyện. Ngoài ra, trong điều kiện rất khó khăn như vậy nhưng 87/2139 (4,06%) xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới…
"Tuy nhiên, qua báo cáo giám sát cũng như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, chúng tôi cũng rất thấm thía về những hạn chế, tồn tại của Chương trình, đặc biệt là chất lượng cuộc sống và hưởng thụ cuộc sống của đồng bào còn rất thấp và sự chênh lệch, khoảng cách giàu nghèo ngày càng cao, hệ số phát triển con người vùng dân tộc miền núi so với mặt bằng chung còn thấp. Trách nhiệm trước hết thuộc về Ban chỉ đạo cũng như cơ quan thường trực. Chúng tôi đã cố gắng, nhưng kết quả chưa thực sự như mong muốn. Chính phủ cũng như cơ quan thường trực tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt sau khi TVQH có Nghị quyết, chúng tôi sẽ chủ trì, tham mưu cho Chính phủ xây dựng Chương trình hành động rất cụ thể, chi tiết nhằm khắc phục ở mức cao nhất những tồn tại, hạn chế nêu trên." , Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết.