Qua đó cho thấy, số hộ nghèo, cận nghèo trên toàn tỉnh còn rất lớn nên công tác giảm nghèo là việc không thể thực hiện một sớm một chiều, nhất là với tỉnh còn nhiều khó khăn. Điều đáng lưu ý, tỷ lệ hộ nghèo cao chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo.
Toàn tỉnh có 4.290 hộ nghèo thuộc dân tộc thiểu số (chiếm 24,79% tổng số hộ nghèo). Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao là Tuyên Hóa với trên 3.500 hộ nghèo và 4.400 hộ cận nghèo; huyện Minh Hóa trên 3.330 hộ nghèo và 5.470 hộ cận nghèo. Trong khi đó, việc thay đổi suy nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số hết sức khó khăn. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm qua các năm nhưng không bền vững và nguy cơ tái nghèo cao, số hộ cận nghèo còn nhiều.
Cụ thể, trong năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 7.340 hộ thoát nghèo nhưng trên 1.400 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo; khoảng 12.200 hộ thoát cận nghèo nhưng trên 6.100 hộ tái cận nghèo và phát sinh cận nghèo, trong đó tập trung chủ yếu ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và những nơi thường xuyên hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là trong bối cảnh hiện nay, để đạt hiệu quả trong công tác giảm nghèo, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với chiến lược bài bản và dài hạn.
Theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình, phân loại hộ nghèo theo nhóm đối tượng thì hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội còn cao với gần 6.100 hộ (chiếm 35,2% tổng số hộ nghèo).
Phần lớn họ nằm trong các đối tượng yếu thế, như: hộ có nhiều người khuyết tật, già cả, neo đơn, ốm đau dài ngày... không có khả năng lao động nên việc tác động các giải pháp giảm nghèo cho những hộ này là không khả thi. Vì vậy, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội sẽ ngày càng khó khăn.