Vươn lên trong khó khăn, bão lũ
Người dân đất Quảng Bình chưa kịp khôi phục lại kinh tế sau sự cố môi trường biển vào tháng 4, thì lại tiếp tục gồng mình gánh hai trận lũ kép lịch sử trong tháng 10/2016. Ngày 15/9, người dân lại tiếp tục oằn mình với cơn bão số 10, với sức tàn phá khủng khiếp, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng con người, sản xuất kinh doanh, đời sống, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác thăm,
tặng quà cho gia đình anh Nguyễn Văn Long (áo đỏ).
Đặc biệt, về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 10 đã được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả với phương châm "4 tại chỗ". Tuy nhiên, đây là cơn bão mạnh, kèm theo mưa lớn nên đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng.
Để kịp thời khắc phục hậu quả và giúp dân ổn định cuộc sống và sản xuất sau bão, tỉnh Quảng Bình đã tăng cường lực lượng Công an, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Đoàn thanh niên đã huy động hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên giúp dân khắc phục hậu quả, sửa chữa những ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, dọn dẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường; kịp thời cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân. Tỉnh Quảng Bình đã nhanh chóng trích 50 tỷ đồng và xuất cấp 500 tấn gạo và trích từ Quỹ cứu trợ 6 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân và các địa phương khắc phục thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh Quảng Bình đã phân bổ hơn 2.458 tấn gạo để cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt. Hiện nay, sau bão số 10 tỉnh Quảng Bình đã trình Chính phủ cấp hỗ trợ 3.000 tấn gạo cứu đói cho đồng bào bị ảnh hưởng bão.
Nhiều người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của tâm bão cũng đã tự vươn lên sau bão. Ngay ở huyện Bố Trạch, nhiều hộ gia đình đã khắc phục thiệt hại do bão số 10 gây ra và vươn lên, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt trở lại. Ông Trần Luông, thương binh hạng 4/4 (SN 1946) có nhà bị tốc mái hoàn toàn ở thôn 4, xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: Ngay sau bão, chính quyền địa phương, các hội đoàn thể cùng với các đơn vị bộ đội đã về địa phương, giúp đỡ gia đình dọn dẹp, dựng lại nhà cửa. Tới đây, sau khi dọn dẹp hết số cây bị gãy đổ tôi sẽ cho trồng lại toàn bộ để dần ổn định cuộc sống.
Cũng bị thiệt hại nặng do bão số 10 gây ra, anh Nguyễn Văn Long (SN 1987) có nhà bị sập hoàn toàn ở thôn 7, xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch) cho biết: "Đất thì không có, ngoài hai sào ruộng trồng lạc thời gian rỗi vợ chồn phải đi làm thuê, con thì nhỏ, kinh tế hết sức khó khăn. Đợt bão vừa rồi nhà em bị sập hoàn toàn, các cơ quan, đoàn thể cũng đã đến hỏi thăm, động viên. Tuy nhiên do điều kiện khó quá nên hai vợ chồng vẫn chưa thể dựng lại nhà cửa được. Gia đình cũng rất mong muốn được sự hỗ trợ để từng bước ổn định cuộc sống, vượt khó, thoát nghèo".
Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều lĩnh vực
Thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Để đạt được mục tiêu này, Quảng Bình đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều chính sách và biện pháp đồng bộ được tỉnh triển khai hướng tới người nghèo, người cận nghèo, tạo việc làm cho người lao động góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm hỏi, trao quà hỗ trợ cho thương binh Trần Luông.
Để từng bước XĐGN bền vững cho người dân miền núi, từ đầu năm 2016 đến nay, thông qua nguồn vốn phân bổ của Trung ương, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ hơn 16 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 12 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vực. 9 tháng đầu năm 2017, giảm 2.386 hộ nghèo, hiện nay giảm xuống còn 11%. Đến nay, tất cả xã ở miền núi Quảng Bình có đường giao thông về tận trung tâm, có trạm y tế, trường tiểu học và hầu hết các thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia, nhà sinh hoạt cộng đồng; hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, được khám chữa bệnh miễn phí. Nhiều chính sách và biện pháp đồng bộ được tỉnh triển khai hướng tới người nghèo, người cận nghèo, tạo việc làm cho người lao động góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Người dân nỗ lực tăng gia sản xuất
Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá Đinh Hữu Niên cho biết: “Minh Hoá là huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Bình, tỷ lệ hộ nghèo còn cao với trên 39%. Cư dân chủ yếu là người Kinh, dân tộc ít người thuộc hai nhóm chính là dân tộc Chứt và Bru – Vân Kiều gồm những tộc người chính là Khùa, Mã Liềng, Rục, Sách, Mày, Arem…”.
“Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đem lại kết quả tích cực. Từ tập quán phát, đốt, cốt, trỉa với công cụ thô sơ, người dân đã biết chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất. Nhiều bản làng đã khai thác vùng đất trũng để trồng lúa nước, đào ao thả cá, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao. Đáng mừng hơn là đồng bào đã phá bỏ được các hủ tục lạc hậu, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Hầu hết con em trong độ tuổi được đến trường, nhiều em đã được học đại học và sau đó quay về góp sức xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp…”, ông Niên cho biết thêm.
“Bên cạnh đó, chương trình xoá mái nhà tạm cho hộ nghèo được thực hiện nghiêm túc, giúp một số hộ nghèo ổn định chỗ ở, yên tâm làm ăn, tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập ổn định để vươn lên xoá đói, giảm nghèo…”, ông Niên nhấn mạnh
Tại huyện Bố Trạch, song song với công tác thông tin, hỗ trợ tín dụng, huyện Bố Trạch ưu tiên giải quyết việc làm cho người dân nông thôn. Huyện đã tiến hành rà soát, thống kê đối tượng bị ảnh hưởng do mất việc làm trực tiếp, gián tiếp bởi sự cố môi trường biển để thực hiện công tác đền bù; ưu tiên chuyển đổi nghề cho ngư dân ở các xã vùng biển sau sự cố môi trường biển, đồng thời tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc ở nước ngoài chấp hành đầy đủ quy định về chế độ, kỷ luật nhằm giảm thiểu số lượng lao động bất hợp pháp tại các nước.
Được biết, trong năm, huyện Bố Trạch đã giải quyết việc làm cho 3.966 lao động, trong đó, xuất khẩu lao động là 1.150 người. Các địa phương cũng chủ động linh hoạt trong việc lựa chọn ngành nghề trên cơ sở bám sát điều kiện, thế mạnh của mỗi địa phương, như: nghề nuôi ong mật, trồng nấm ở thị trấn Nông trường Việt Trung; nghề nuôi cá nước ngọt ở Sơn Trạch, Hưng Trạch; nghề chăn nuôi lợn ở các xã Đại Trạch, Nam Trạch... Nhiều lao động sau khi được đào tạo đã áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt vào sản xuất, chuyển đổi và mở rộng mô hình sản xuất tại nhà, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,85%.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã tích cực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo và thu được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, trở thành vấn đề thách thức cho Quảng Bình, bởi xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh không chỉ có ý nghĩa thực hiện mục tiêu chung của Quốc gia mà còn có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đồng thời hội nhập với các vùng khác trong khu vực và cả nước.
Trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Bình ngày 22/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị: “Trong những khó khăn như thế, nhưng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã cố gắng vươn lên, đạt được những kết quả nhất định. Trong thời gian tới, Quảng Bình tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt quan tâm đến công tác XĐGN, GQVL… Hiện nay, tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh đang còn cao, nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo. Sau bão số 10, đời sống người dân càng khó khăn hơn. Cần chú trọng đến sinh kế lâu dài cho người dân… Cái gốc là phải tạo cái nghề cho người dân, đào tạo nghề, GQVL cho lao động nông thôn, người dân trong vùng tâm bão, vùng bị ảnh hưởng do thiên tai…”.
Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, Quảng Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án giảm nghèo, đó là như: Huy động mọi nguồn lực như nguồn vốn, lao động, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề trong công tác giảm nghèo; chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hiệu quả nhằm đa dạng hóa thu nhập; phát triển kinh tế trang trại… Ngoài ra, hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho người nghèo gắn với việc làm; cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư miễn phí cho người nghèo làm nông nghiệp; tăng cường công tác nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và cán bộ ở các xã nghèo; phát triển thị trường lao động, động viên người lao động tự tạo việc làm; khuyến khích nhà đầu tư phát triển vào nông nghiệp để tạo thêm việc làm mới cho người dân địa phương; tích cực tham gia thị trường lao động trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu lao động; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo nghề và chủ động giải quyết việc làm.
Với những mục tiêu, giải pháp đã đề ra, tin rằng, công tác giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm giai đoạn 2016-2020 của tỉnh sẽ tiếp tục thu được nhiều kết quả, góp phần xây dựng Quảng Bình ngày càng đổi mới và phát triển.