Toàn xã hội tham gia công tác giảm nghèo
Kết quả đó có được là do các cấp, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp tham mưu, hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo đồng bộ. Các phong trào thực hiện công tác giảm nghèo thu hút đông đảo sự quan tâm, giúp đỡ của cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và tổ chức xã hội với hàng tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo, đặc biệt là sự đóng góp, chung tay của người dân.
Bên cạnh đó, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ 19.704 lượt người vay vốn ưu đãi xóa nhà ở tạm, học sinh, sinh viên... với số tiền hơn 988 tỷ đồng; giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vươn lên trong học tập. Toàn tỉnh có 46.789 người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số và người dân đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ cấp thẻ BHYT theo quy định của Nhà nước.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và lao động nghèo, cận nghèo nói riêng trên địa bàn được triển khai tương đối đồng bộ, chuyển biến tích cực. Lao động sau khi học nghề đã tham gia thị trường lao động hoặc tự tạo việc làm mới, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động; lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, thu nhập cao cho gia đình, ổn định đời sống.
Các hộ nghèo được quan tâm hỗ trợ
Các ngành, địa phương trên địa bàn đã thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; thực hiện các dự án, mô hình như chăn nuôi gà, lợn, bò sinh sản và trồng trọt… cho 515 hộ để phát triển sản xuất, sinh kế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, việc huy động vốn đầu tư phát triển của địa phương còn nhiều khó khăn, nguồn vốn chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương, hỗ trợ của doanh nghiệp, nguồn huy động tại cộng đồng và bản thân người nghèo còn hạn chế. Một số người dân còn mong chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, còn nhiều hộ dân mong muốn được đứng trong danh sách hộ nghèo để thụ hưởng chính sách, chưa thực sự vươn lên thoát nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm tương đương mức bình quân chung của cả nước nhưng chưa thực sự bền vững.
Cùng với đó, các cấp, ngành và địa phương đánh giá, khảo sát đúng, phù hợp thực trạng đời sống hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương, cơ sở; rà soát phân tích, phân loại hộ nghèo cụ thể theo nhóm nguyên nhân nghèo để làm cơ sở đề ra giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm hộ nghèo; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo.
Tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập và tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cấp thẻ BHYT; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo, cận nghèo; chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên; huy động nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở, đảm bảo mức tối thiểu về diện tích, chất lượng nhà ở theo quy định.
Hỗ trợ tiếp cận về nước sạch và vệ sinh, vận động nâng cao ý thức của người dân về cách ăn, ở hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường để bảo đảm giữ gìn sức khỏe. Các ngành, địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo học nghề, vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ, tìm kiếm thị thường lao động trong nước và thị trường lao động ngoài nước; tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và lao động nông thôn, trong đó có lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của lao động có đào tạo, tay nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tham gia xuất khẩu lao động; đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5 - 1,8%; ước giai đoạn 2022 - 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,3 - 1,7%/năm, riêng huyện nghèo Minh Hóa giảm bình quân từ 2,5 - 3%/năm.