Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Quảng Trị: Hỗ trợ hơn 503 tỷ đồng thực hiện giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số

Theo sở LĐ-TB&XH Quảng Trị, trong giai đoạn đoạn 2012-2018, tổng nguồn vốn đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh là hơn 503 tỷ đồng.

 

Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đã được triển khai thực hiện đến các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Trị

Cụ thể, về hỗ trợ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong giai đoạn 2012-2018, tổng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là 420,2 tỷ đồng (trong đó: vốn đầu tư phát triển: 390,7 tỷ đồng; vốn sự nghiệp duy tu bão dưỡng: 29,5 tỷ đồng) để hỗ trợ đầu tư 327 công trình cơ sở hạ tầng tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị.

Nhìn chung, các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng và đã phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho sản xuất, dân sinh và phát triển kinh tế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đến nay, có 100% số xã đã có đường giao thông về đến trung tâm xã được cứng, 80% số thôn, bản có đường giao thông đi lại được cả hai mùa; 100% số xã có trạm y tế; 100% số xã có công trình thuỷ lợi nhỏ; 100% số xã có điện lưới quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường trung học cơ sở; phần lớn các thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tổng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo là 82,9 tỷ đồng. Nội dung tập trung vào hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ phân bón; hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất; hỗ trợ vắcxin tiêm phòng gia súc, gia cầm; hỗ trợ trồng và chăm sóc rừng tập trung; hỗ trợ xây dựng mô hình giảm nghèo.

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã tác động trực tiếp đến hộ nghèo và bước đầu đem lại các kết quả nhất định, hộ nghèo có thêm vật tư, phân bón, giống các loại cây trồng để phát triển sản xuất; được trang bị các loại công cụ để sản xuất, máy móc để chế biến bảo quản nông sản phẩm; đồng thời được tham quan, tập huấn nâng cao năng lực trong quá trình sản xuất.

Dự án góp phần phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên khá giả. Nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập.

Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, các cấp các ngành và sự quan tâm của xã hội, sự đầu tư đồng bộ, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị đã đạt được kết quả quan trọng. Theo đó, giai đoạn 2012 – 2015, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 14.775 hộ nghèo DTTS (đầu năm 2012) xuống còn 6.832 hộ nghèo DTTS (cuối năm 2015); bình quân mỗi năm giảm 1.985 hộ nghèo dân tộc thiểu số; giai đoạn 2016 – 2018, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 1.504 hộ nghèo DTTS, giảm từ 11.138 hộ nghèo DTTS (đầu năm 2016) xuống còn 9.634 hộ nghèo DTTS (cuối năm 2018); bình quân mỗi năm giảm 501 hộ nghèo dân tộc thiểu số.

 

Địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị gồm có 47 xã, thị trấn, trong đó có 41 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chủ yếu là dân tộc Vân Kiều và Pa Cô). Tính đến thời điểm đầu năm 2019, dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 41.694 hộ, với 177.386 khẩu, chiếm 28,27% dân số toàn tỉnh; trong đó, tổng số hộ dân tộc thiểu số (DTTS) là 18.063 hộ, với 86.051 khẩu, chiếm khoảng 13,71% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS phân bổ trên 41 xã, thị trấn gồm: toàn bộ 22 xã, thị trấn của huyện Hướng Hóa; 13 xã, thị trấn của huyện Đakrông; 01 thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ; 02 xã (Linh Thượng và Vĩnh Trường) của huyện Gio Linh và 03 xã (Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà) của huyện Vĩnh Linh.