Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thái Nguyên: Cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 3,1%.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm từ 13,4% (năm 2016) xuống còn khoảng 3,1% vào cuối năm 2020, bình quân giảm 2,06%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra.

Trong gần 5 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên đã cho hơn  51.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng kinh phí cho vay trên 2.200 tỷ đồng. Trong đó, hơn 26.400 lượt hộ nghèo vay trên 1.000 tỷ đồng, gần 18.000 lượt hộ cận nghèo vay 785 tỷ đồng, hơn 7.000 hộ mới thoát nghèo vay 346 tỷ đồng để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mới, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, mua con giống, cây giống, phương tiện hỗ trợ sản xuất nhằm từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thái Nguyên: Cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 3,1%. - Ảnh 1.

Tiếp nhận ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của các tập thể, cá nhân.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng thành công 27 mô hình giảm nghèo, thu hút 457 hộ nghèo tham gia, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 8,2 tỷ đồng. Ngoài ý nghĩa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, các mô hình giảm nghèo (như chăn nuôi trâu, bò sinh sản; gà thả vườn; trồng cây ăn quả, chè chất lượng cao...) còn có tác động tích cực đến tư duy làm kinh tế, giúp hộ tham gia mô hình thay đổi cách nghĩ, cách làm và biết hướng đến sản xuất theo nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập. 

Đặc biệt trong thời gian triển khai, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững thực sư phát huy hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện giám sát, đánh giá chương trình giảm nghèo tại từng cơ sở. Qua đó nắm bắt được khó khăn tồn tại, nguyện vọng của hộ nghèo, từ đó có cơ sở tham mưu cho tỉnh và đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.

Thái Nguyên còn thực hiện tốt nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo như: 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho người hộ cận nghèo, nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế dự kiến năm 2020 đạt 98,5%; miễn giảm học phí cho 185.905 học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số và người nghèo với kinh phí trên 49 tỷ đồng; trợ cấp xã hội cho hơn 156.000 học sinh vùng khó khăn với kinh phí trên 42.000 tỷ đồng; hỗ trợ về nhà ở cho hơn 3.500 hộ nghèo; tạo việc làm mới cho hơn 21.000 lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xã, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 70%.

Ngoài các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Chính phủ, xuất phát từ tình hình thực tiễn địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống" tại 4 huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, gần 7.000 lượt hộ đồng bào dân tộc Mông đã được hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai trên tổng diện tích hơn 3.100 ha với kinh phí ngân sách hỗ trợ gần 15 tỷ đồng.

Tỉnh trích ngân sách đầu tư hỗ trợ xây dựng 15 tuyến đường vào các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống với tổng chiều dài 42,7 km, kinh phí 64,5 tỷ đồng; triển khai xây dựng 15 công trình lớp học, 3 công trình nhà văn hóa, 11 công trình điện lưới quốc gia, 2 công trình nước sinh hoạt tập trung bằng nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách, trong đó kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ là 15,62 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã triển khai dự án xóa "trắng điện" tại 34 xóm, bản chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn huyện Võ Nhai và 14 xóm của huyện Đồng Hỷ.... giúp các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, các hộ nghèo nâng cao thu nhập, thoát nghèo, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn... Trong thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và sự ủng hộ của Nhân dân, các doanh nghiệp, doanh nhân, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Từ nguồn quỹ vận động được và các nguồn hỗ trợ khác, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan hỗ trợ xây mới và sửa chữa hàng nghìn ngôi nhà cho người nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ con em hộ nghèo vượt khó, học giỏi và giúp đỡ bệnh nhân nghèo khám chữa bệnh, chăm lo Tết cho người nghèo… góp phần tích cực trong việc chung tay thực hiện các chương trình an sinh xã hội của tỉnh.