Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Thanh Hóa: Gần 345 triệu đô la Mỹ kiều hối mỗi năm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thanh Hóa là một trong 3 tỉnh có số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đứng đầu cả nước.

Tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài là trên 40.000 người. Hàng năm, số tiền kiều hối gửi về gia đình khoảng 345 triệu đô la Mỹ, tức gần 8.600 tỷ đồng.

XKLĐ TH.jpg
Lao động Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa Vũ Thị Hương cho biết: “Tổng số lao động của tỉnh Thanh Hóa đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên 40.000 người, tập trung chủ yếu ở các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...  Năm 2023, Thanh Hóa đã đưa đi làm việc ở nước ngoài được 15.129 lao động (đạt 302,6% mục tiêu kế hoạch); 7 tháng năm nay đã đưa 7.414 lao động xuất cảnh.

Hàng năm, số tiền người lao động tỉnh Thanh Hóa đi làm việc tại nước ngoài gửi về gia đình gần 8.600 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ đầu tư các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn”.   

Ông Lê Phúc Hải, Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ (huyện Như Xuân) cho biết: "Hóa Quỳ là xã nghèo, kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đến nay, xã có 360 người đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2024, xã phấn đấu có trên 50 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện các công ty đến từng thôn, hộ gia đình tuyên truyền trực tiếp để người lao động và gia đình yên tâm, tin tưởng".

Từ đầu năm đến nay, chương trình đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (chương trình EPS) đã ghi dấu ấn tích cực khi toàn tỉnh đã tổ chức thành công việc tiếp nhận Đơn đăng ký dự thi tiếng Hàn cho 10.497 người.

Tỉnh Thanh Hóa đứng đầu cả nước về số lượng đăng ký dự thi. Tỉnh cũng đã phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước, Trường Đại Học Hồng Đức, Công an tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tiếng Hàn lần đầu tổ chức tại tỉnh cho 6.720 lao động. Điều này giúp thí sinh giảm bớt thời gian đi lại và chi phí nhưng vẫn đảm bảo sự nghiêm túc, an toàn, minh bạch.

Bà Vũ Thị Hương thông tin thêm: “Thanh Hóa đang là tỉnh đứng đầu cả nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức phi lợi nhuận. Đối với chương trình EPS, từ 2004 đến nay, Thanh Hóa có 15.756 lao động xuất cảnh, đứng đầu cả nước, chiếm 11,7% tổng số lao động Việt Nam đi Hàn Quốc. Riêng giai đoạn từ 2022 đến nay, số lượng lao động tham gia chương trình EPS tăng đột biến, chiếm 25,6% cả nước”. 

“Người lao động tham gia các chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức phi lợi nhuận chỉ phải đóng góp chi phí hành chính rất thấp, được công bố công khai, thậm chí có chương trình còn miễn phí hoàn toàn. Với chương trình thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản, người lao động thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách… ở các huyện nghèo sẽ được tài trợ toàn bộ kinh phí đào tạo, học tập khi tham gia.

Từ năm 2022 đến nay, đã có 2.014 lao động của 6 huyện nghèo xuất cảnh theo chương trình EPS. Tính riêng từ đầu năm đến nay, 244 lao động đã sang Hàn. Trung bình mỗi lao động khi hồi hương đem về số tiền tiết kiệm từ 1,5 đến 2 tỷ đồng.

Đây không chỉ là con đường thoát nghèo với nhiều người lao động mà còn là cơ hội làm giàu cho gia đình, quê hương… Lợi thế khác là người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức tổ chức, kỷ luật nên khi về nước có cơ hội việc làm và tự tạo việc làm tốt hơn.

Nhiều người hồi hương đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh... góp phần giải quyết thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế, xã hội địa phương”, bà Hương nhấn mạnh.

Thu Hương

Báo Lao động và Xã hội số 99